TS.BS Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, thông tin, theo số lượng cộng dồn từ năm 2003, có gần 3.000 trẻ đến thăm khám, điều trị tại bệnh viện liên quan dậy thì sớm.
Các năm trước, chỉ từ 80-100 trẻ/năm nhưng những năm gần đây số lượng này đã tăng lên, trung bình 500 bệnh nhi/năm được phát hiện dậy thì sớm tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Quá trình thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận bệnh nhi là bé trai, 14 tháng, được chẩn đoán dậy thì sớm. Đây là trường hợp dậy thì sớm có nguyên nhân (bệnh nhi có u ở não).
Bác sĩ cũng chia sẻ về trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi được chẩn đoán dậy thì sớm không nguyên nhân là một bé gái 5 tuổi. Mặc dù trẻ mới 5 tuổi nhưng có sự phát triển ở tuyến vú. Bố mẹ em lo lắng khi thấy dấu hiệu bất thường ở con đã đưa đến bệnh viện để thăm khám.
Theo TS.BS Khánh, dấu hiệu dậy thì sớm với bé gái là dưới 8 tuổi đã có kỳ kinh đầu tiên, phát triển tuyến vú hoặc một số dấu hiệu như mọc lông mu, mọc mụn trứng cá….
Với bé trai dưới 9 tuổi, dấu hiệu dậy thì sớm là thay đổi giọng nói, thay đổi kích thước dương vật (thể tích tinh hoàn 4ml), mọc ria mép, có mụn trứng cá...
Phụ huynh thường rất khó đánh giá chính xác con có dậy thì sớm hay không. Nhiều bố mẹ thấy con cao lớn hơn bạn lại vui mừng cho rằng con phát triển tốt, không biết rằng con đang bước vào thời kỳ dậy thì. Vì vậy nếu thấy con lớn nhanh hơn trẻ khác, phát triển tuyến vú, có mụn trứng cá… có thể cho trẻ đến khám. Từ đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá trẻ phát triển bình thường hay dậy thì sớm.
Cũng theo TS.BS Ngọc Khánh, tỷ lệ bé gái dậy thì sớm nhiều hơn các bé trai (trung bình gấp 10 lần). Bé trai dậy thì sớm đa số có nguyên nhân (chiếm 60-70%), nguyên nhân dậy thì sớm thường gặp là do u não, viêm màng não… Trong khi các bé gái dậy thì sớm đa số không có nguyên nhân (chiếm 80-90%).
Về điều trị, các bác sĩ sẽ xem xét chỉ định trẻ nào cần điều trị. Nếu trẻ dậy thì sớm tiến triển nhanh, ảnh hưởng đến chiều cao cuối cùng của trẻ, bác sĩ sẽ dựa trên tuổi bé khởi phát dậy thì, chiều cao hiện tại của trẻ, tuổi xương hiện tại (không liên quan đến tuổi đời) để xác định trẻ có cần điều trị hay không.
Trẻ sẽ được dùng thuốc ức thế dậy thì. Thuốc có thể tiêm 1 tháng/lần hoặc 3 tháng/lần... để dừng các dấu hiệu dậy thì sớm của trẻ. Thuốc có tác dụng giúp chậm/dừng phát triển tuyến vú, giảm phát triển lông mu, dừng lại kinh nguyệt, dương vật bớt tăng kích cỡ để trẻ phát triển theo đúng độ tuổi.
Tuy nhiên cũng có những phụ huynh quá lo lắng nên tự ý mua thuốc ức chế dậy thì sớm về tiêm tại nhà cho trẻ. Về vấn đề này, TS.BS Khánh cho hay: “Thuốc nào cũng có tác dụng chính và tác dụng phụ. Chúng ta phải theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi bé đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán dậy thì sớm chúng ta mới chỉ định tiêm”.
Cũng theo TS.BS Ngọc Khánh, hơn 20 năm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng, tác dụng phụ của thuốc ức chế dậy thì sớm không nhiều. Đặc biệt người ta nhận thấy thuốc không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bé gái. Trẻ cũng có thể gặp các tác dụng phụ khác như mẩn đỏ, đau… chỗ tiêm. Tuy nhiên TS.BS Khánh cảnh báo, dù bất kể tiêm thuốc nào, trẻ cũng có thể bị sốc. “Mặc dù tỷ lệ thấp, có khi hàng triệu ca mới có 1 ca nhưng khi trẻ sốc, không kịp thời xử lý có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy việc tiêm tại nhà hay các cơ sở không đảm bảo về cấp cứu rất nguy hiểm”, bác sĩ cho biết.
Về nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm, TS.BS Ngọc Khánh khẳng định, hiện trên thế giới, chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các nhà khoa học đưa ra một số chất có nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ nằm là đồ nhựa (PPA có trong nhựa). Ngoài ra, có những chất khác như DDT, chất trong thuốc trừ sâu.
“Nhưng cho đến nay, về mặt khoa học chưa chứng minh được do ăn cái này, cái kia… gây dậy thì sớm ở trẻ. Đặc biệt, một số phụ huynh cho rằng trẻ uống sữa gây dậy thì sớm là không đúng. Thường trẻ béo phì sẽ có nguy cơ dậy thì sớm hơn vì vậy trẻ có nguy cơ béo phì cần có chế độ ăn phù hợp, tập luyện đẻ giảm béo phì, giảm nguy cơ dậy thì sớm”, Bác sĩ Khánh chia sẻ.
Về phương pháp chăm sóc cho trẻ dậy thì sớm, ngoài thuốc theo chỉ định của bác sĩ, phụ huynh cần chú ý đến việc chăm sóc, chế độ ăn, ngủ cho trẻ. Gia đình hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn sẵn, đồ đóng hộp. Trẻ vẫn cần lớn, vẫn phải đầy đủ dinh dưỡng. Theo đó, trẻ cần sữa để phát triển chiều cao, cho trẻ ăn đầy đủ nhóm tinh bột, đường, đạm, vitamin. Đồng thời, trẻ cần vận động mỗi ngày và phải ngủ sớm, trước 10h tối và ngủ đủ giấc.
Ngọc Trang