Theo thông tin ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT đưa ra tại Hội thảo chuyên đề về quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông trong tình hình mới do Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/12, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua Bộ TT&TT - Ban chỉ đạo số hóa truyền hình đã cùng các địa phương, các đài truyền hình thuộc diện số hoá từ nay đến năm 2020 đã thực hiện thành công giai đoạn 1 ngừng phát sóng analog 5 tỉnh thành đầu tiên vào ngày 30/6/2016.

Tiếp đó, đến ngày 31/12 tới đây, theo kế hoạch cũng sẽ hoàn thành đúng tiến độ việc ngừng sóng analog tại các đài truyền hình thuộc giai đoạn 2 (theo lộ trình số hóa truyền hình được Chính phủ phê duyệt, tới ngày 31/12/2016 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của lộ trình số hóa, trong đó có thêm 26 tỉnh thành sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog). Sau đó sẽ triển khai tiếp giai đoạn 3 và 4.

Ông Nguyễn Thanh Lâm nhận định, dù có vướng mắc, khó khăn nhưng các đài đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, cam kết hoàn thành đúng tiến độ.

Hiện Cục PTTT&TTĐT đang cùng các đơn vị liên quan kiến nghị lên Bộ TT&TT, Chính phủ điều chỉnh một số hành lang pháp lý để có thể đẩy nhanh việc cung cấp, trợ giúp đầu thu số cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại những vùng đã được xác định hỗ trợ.

Đồng thời công tác hỗ trợ chi phí truyền dẫn vệ tinh cho các đài truyền hình tại những khu vực khó khăn tại các tỉnh miền núi khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ cũng được đặt ra (là những đài chưa tự chủ về tài chính, nguồn thu không đáng kể).

Đây là nhu cầu thực tế của các tỉnh và các đài, có tác động rất quan trọng đến tiến độ để kịp số hoá truyền hình giai đoạn 3 và 4, làm sao cho phép đưa các đài chưa tự chủ được tài chính, thu chưa cân đối được thu chi vào diện xem xét để kiến nghị với Chính phủ cho phép sử dụng nguồn viễn thông công ích để thực hiện.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện số hóa song song với ngừng phát sóng truyền hình analog mặt đất được chia thành 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1 thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội (cũ), TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. 5 thành phố này sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng analog, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, sau đó Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình đã cân nhắc vào điều chỉnh thời hạn tắt sóng truyền hình analog đến ngày 15/8/2016.

Giai đoạn 2 tiến hành số hóa tại 26 tỉnh thuộc nhóm 2, bao gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiềng Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. Dự kiến, các đài sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016.

Giai đoạn 3 ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 18 tỉnh thuộc nhóm 3, bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Thời hạn chót cho việc ngừng phát sóng hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31/12/2018.

Giai đoạn 4 ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh còn lại thuộc nhóm 4 bao gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông với thời hạn cuối cùng là ngày 31/12/2020.