Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXII chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long” vừa khai mạc hôm nay, 29/8/2018 tại Vĩnh Long.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Là sự kiện được tổ chức định kỳ hàng năm, luân phiên tại các tỉnh, thành trong cả nước, hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam do Bộ TT&TT, Hội Tin học Việt Nam và UBND tỉnh, thành đăng cai tổ chức. Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác phát triển CNTT-TT giữa các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước theo xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, nắm bắt về hiện trạng, nhu cầu, giới thiệu về hoạt động, năng lực của đơn vị mình, tìm kiếm hợp tác, giới thiệu, tư vấn những giải pháp, sản phẩm, kỹ thuật công nghệ mới.
Phát biểu tại hội thảo, đánh giá cao UBND tỉnh Vĩnh Long và Hội Tin học Việt Nam trong việc tổ chức hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT năm nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định, khu vực ĐBSCL trong đó có tỉnh Vĩnh Long, không chỉ là vựa lúa lớn nhất của cả nước mà còn là vùng trọng điểm thủy sản, trái cây, nông sản, đồng thời là vùng có tiềm năng lớn về du lịch, công nghiệp chế biến, một trung tâm kinh tế lớn của cả nước... Mặc dù vậy, một số lĩnh vực của ĐBSCL còn có tốc độ phát triển chưa tương xứng, điển hình như y tế, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao... Đặc biệt, ĐBSCL còn đang đứng trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn gay gắt.
Thời gian qua, theo Thứ trưởng, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều sự quan tâm, ưu tiên đầu tư trong ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử tại địa phương. Do đó, Vĩnh Long đã có thay đổi rõ nét về các chỉ số như hạ tầng CNTT, nhân lực, hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là chỉ số ứng dụng CNTT của tỉnh đã tăng 18 bậc (từ 35 lên 17) và dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc (từ 38 lên 30), theo báo cáo Vietnam ICT Index 2018. “Đây là những bước tiến rất đáng ghi nhận của tỉnh Vĩnh Long nói chung cũng như ngành CNTT-TT Vĩnh Long nói riêng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh CMCN 4.0 đang diễn ra, liên quan đến mọi lĩnh vực trong đó CNTT-TT là một trong những thành phần nền tảng với những yếu tố cốt lõi là trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay, với Việt Nam, CMCN 4.0 được kỳ vọng tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh. CMCN 4.0 được coi là cơ hội lớn đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng.
Cụ thể hóa bằng hành động, nhằm kịp thời nằm ắt cơ hội, lợi thế của CMCN 4.0, tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Bộ TT&TT cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Thứ trưởng cũng khẳng định, chuyển đổi số là một xu thế không thể cưỡng lại được trong bối cảnh hiện nay. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại. “Nhiều giải pháp đưa ra nhằm thúc đẩy chuyển đổi số như phát triển hạ tầng, thúc đẩy ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp… Nhưng trong đó theo tôi nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Với mong muốn hội thảo đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ĐBSCL nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung, Thứ trưởng đã đề nghị các đại biểu tham gia thảo luận các nội dung quan tâm đến các yếu tố đặc thù của ĐBSCL, phù hợp với thực tiễn của các địa phương cũng như xu thế chung của thế giới và chủ trương của Chính phủ. “Các đề xuất, kiến nghị của các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo cần mang tính khả thi, thiết thực để biến được thành các hành động, giải pháp cụ thể, giúp ích cho các địa phương trong việc phát triển và ứng dụng CNTT, phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”, Thứ trưởng lưu ý.