Quảng Bình có 15 xã thuộc 5 huyện (Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy) được thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025. Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo, ban hành các văn bản cụ thể hóa quy định của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương để phù hợp với tình hình địa phương; các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp, tạo điều kiện để triển khai chương trình hiệu quả.
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 1.757.518 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 1.597.897 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh 159.621 triệu đồng.
Để triển khai phân vốn, trên cơ sở tham mưu của các sở, ban, ngành liên quan, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, quyết định phân bổ cho 10 dự án.
Theo đó, năm 2022 tinh đã phân bổ 248.189 triệu đồng; năm 2023 là 433.031 triệu đồng. Tiến độ giải ngân năm 2022 đạt 13,3% kế hoạch giao; năm 2023, tính đến ngày 30/6 đạt 12,3% kế hoạch.
Ban dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, tổng nguồn vốn được phân bổ trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2022 và 2023 thực hiện chương trình là 681 tỉ đồng
Tính đến ngày 30/6, tổng vốn đã giải ngân cho chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021 – 2025 là 90 tỉ đồng, đạt 12,3%.
Trong số 10 dự án thành phần của chương trình, hiện nay tỉnh Quảng Bình đang trong quá trình triển khai thực hiện dự án 1 là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Đối với dự án 4 đầu tư cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị công lập của vùng dân tộc, tinh cũng đang trong giai đoạn gấp rút thực hiện các mục tiêu như: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp....
Theo Ban Dân tộc tỉnh, dự án 4 là dự án quan trọng có tổng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương phân bổ để triển khai thực hiện dự kiến là 179 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư là 163 tỉ đồng và vốn sự nghiệp là 15 tỉ đồng.
Sau khi được phân bổ nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án 4 thì các địa phương đã chuyển giao nguồn vốn cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn và vùng DTTS để triển khai thực hiện. Hiện, UBND các huyện đã bố trí, triển khai cho 52 công trình, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 19,6 tỉ đồng, đạt 25,3% vốn được giao; trong đó vốn đầu tư là 18,5 tỉ đồng, đạt 25,4%.
Để hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng, các đơn vị liên quan thì sự ủng hộ đồng lòng, đồng sức của người dân và chính quyền địa phương nơi triển khai các dự án cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025.