Mọi chuyên gia tư vấn chuyển đổi số đều thừa nhận tư duy của lãnh đạo gần như là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình dẫn dắt tổ chức thay đổi. Dù vậy, kể cả khi lãnh đạo đã quyết chuyển đổi số, mọi thứ không hề dễ dàng sau đó. 

Chỉ riêng về yếu tố con người, có 3 rào cản ngay trước mắt: mâu thuẫn giữa các phòng ban khi ra quyết định, nhân viên thiếu hụt kiến thức công nghệ và sự e dè của một bộ phận nhân sự khi tiếp cận công nghệ mới. 

Đó là các vấn đề mà Techcombank gặp phải khi quyết định đưa hơn 20 ứng dụng của họ lên nền tảng đám mây, bắt đầu cho quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ sắp tới. 

Ngân hàng không thể tự mình xây dựng hàng chục ứng dụng như vậy trong thời gian ngắn, do đó phải làm việc với đối tác như AWS để sử dụng nhiều phần mềm của nhà cung cấp này và nhận các khóa đào tạo về đám mây. Không chỉ đào tạo kiến thức chuyên môn về đám mây, ngân hàng phải đào tạo nhân viên cách tính hiệu quả của việc mua sắm các dịch vụ trên nền đám mây. 

“Nhân viên chúng tôi phải đủ kiến thức để hiểu nên mua sắm dịch vụ nào, hiệu quả của các ứng dụng chúng tôi sẽ mua ra sao”, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank nói với VietNamNet. Điều này nhằm giúp ngân hàng tiết kiệm một nguồn chi phí đáng kể khi chuyển đổi số, không phải ném tiền ra cửa sổ. 

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc ngân hàng Techcombank. (Ảnh: Hải Đăng)

Vấn đề của Techcombank không mới. PGS.TS. Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế ISB – Đại học Kinh tế TP.HCM - cho hay 70% doanh nghiệp chuyển đổi số gặp thất bại, một phần do thiếu hụt kiến thức chuyển đổi số. Điều này dẫn đến lý do viện đào tạo của ông Quân mở các khóa dạy kiến thức chuyển đổi số cho nhân viên các tổ chức, doanh nghiệp. 

Để không đi vào vết xe đổ, Techcombank hợp tác với AWS để đào tạo cho 2.800 nhân viên của họ kiến thức về đám mây. Chương trình không chỉ đào tạo kỹ sư mà còn có lớp đặc biệt cho các bộ phận khác để tất cả phòng ban đều có cùng một tiếng nói khi nhìn về công nghệ cloud. Tất cả nhằm mục đích “cloud thinking” (mọi công nghệ đều hướng trên đám mây) mà ngân hàng mong muốn. 

Việc đào tạo diễn ra suôn sẻ, các tính năng mới sắp được tung ra trên ứng dụng Techcombank trong một vài tháng tới, nhưng ông Jens Lottner vẫn không quên những ngày đầu ngân hàng này quyết định đưa mọi thứ lên mây.

Thời điểm đó, và ngay cả hiện tại, nhân viên các bộ phận gồm: công nghệ, hạ tầng, kinh doanh khó tìm được tiếng nói chung. Bên IT rất hứng khởi và đặt niềm tin vào công nghệ, song những người thuộc mảng kinh doanh đặt câu hỏi về lợi ích mang lại khi bỏ kinh phí đầu tư. 

Câu chuyện này giống với những gì diễn ra tại một tờ báo hàng đầu Việt Nam. Bộ phận công nghệ rất tự tin và khẳng định công nghệ có thể làm nhiều thứ, song ban biên tập tờ báo lại nghi ngờ tính hiệu quả khi đầu tư. Do đó, Giám đốc công nghệ của tờ báo lên kế hoạch tuyển dụng người có kiến thức cả công nghệ lẫn báo chí, để có thể đứng giữa lý giải câu chuyện cho cả hai bên.

Khi được hỏi đứng về “phe” nào khi tranh cãi nổ ra giữa bộ phận kinh doanh và công nghệ, ông Jens thừa nhận sẽ đứng về phía kinh doanh. Việc này nhằm bảo đảm mọi khoản đầu tư đều mang lại lợi ích.

“Trọng tâm trong các chiến lược vẫn là khách hàng, làm sao để công nghệ mang lại lợi ích cho khách hàng”, ông Jens cho hay.

Techcombank nằm trong dòng chảy chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, với đám mây được xác định là hạ tầng quan trọng nhất của kinh tế số. Tuy vậy, để có lực lượng am hiểu về điện toán đám mây không dễ, chưa nói đến việc vận hành nó.

Ông Conor McNamara, Tổng giám đốc AWS khu vực ASEAN, cho hay đơn vị đang tổ chức các khoá đào tạo đám mây miễn phí tại Việt Nam và toàn khu vực lẫn trên toàn cầu, với mục tiêu đạt được 29 triệu học viên tính tới năm 2025.