Những năm gần đây, việc đào tạo, dạy nghề cho lao động hộ nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp đã và đang được áp dụng hiệu quả tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Đào tạo nghề là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo điều kiện cho người dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, công nghệ áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống và nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương này.
Nhằm tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện giúp đỡ người lao động nâng cao năng lực tiếp cận việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định, nâng cao chất lượng sống, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong chương trình phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Thầy giáo Vi Văn Hà (dân tộc Tày) đã có 15 năm cống hiến cho ngành giáo dục vùng cao Lục Ngạn nói riêng cũng như ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang nói chung. Tình yêu nghề giáo đã giúp anh có thêm nhiều động lực để gắn bó truyền dạy kiến thức, cảm hứng trong học tập cho học sinh đặc biệt là học sinh nghèo người DTTS.
Sửa chữa máy móc, dạy nghề chăn nuôi, chuyển đổi giống cây trồng tạo kinh tế mới... là những nội dung tiêu biểu của những khóa học này. Các khóa học diễn ra trong vòng 3 tháng, lịch trình học được sắp xếp tùy theo điều kiện của địa phương mà vẫn đảm bảo đầu ra kiến thức cho người học.
“Việc dạy và đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp giống như trao cho họ một chiếc cần câu để bản thân họ vươn lên thoát khỏi cái nghèo. Đó là một cách phát triển kinh tế bền vững tại vùng cao”, thầy Hà chia sẻ thêm.
Anh Lăng Văn Chiêu (người dân tộc Nùng, xã Hộ Đáp) được tham gia khóa học sửa chữa máy nông nghiệp từ năm 2017. Sau đó 1-2 năm, thành thạo nghề mới, anh bắt đầu mở cửa hàng sửa chữa tại nhà. Đến nay anh Chiêu có thể sửa chữa đủ mọi loại máy móc: máy cắt cỏ, máy bơm nước, xe máy...
"Trước kia kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm, chủ yếu làm nông nghiệp, rất vất vả. Từ khi tôi học nghề sửa chữa, kinh tế gia đình ổn định hơn và thoát cảnh nghèo khó", anh Chiêu nói.
Cửa hàng của anh Chiêu trở thành điểm sửa chữa uy tín tại khu vực. Mỗi ngày, người dân đều mang máy móc đến sửa chữa và bảo dưỡng.
Các học viên tham gia các lớp đào tạo nghề là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và người có thu nhập thấp, gia đình chính sách... được Nhà nước hỗ trợ học phí và tiền ăn trưa, được cấp chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp và được tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm phù hợp.