Điều là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (VN). Sự phát triển của ngành điều đã tạo ra cơ hội cho người dân vươn lên làm giàu, tạo ra một thế hệ doanh nhân mới, đi tiên phong trong việc áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, chế biến, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững cây điều trong tương lai.
Cơ hội và thách thức
Theo dự báo của Hiệp hội Điều VN, năm 2010 ngành điều VN sẽ đạt tổng sản lượng là 400.000 tấn, có tổng giá trị 1,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 1 tỷ USD. Bên cạnh việc xuất khẩu nhân điều, dự báo trong năm 2010, việc chế biến các sản phẩm từ trái điều như cồn khô, thực phẩm… sẽ gia tăng đáng kể. Với sản lượng điều và kim ngạch xuất khẩu theo như dự báo, ngành điều VN sẽ có khả năng tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu thế giới.
Tuy nhiên, trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành điều VN là tình trạng thiếu nguyên liệu, một số cơ sở chế biến chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học và đào tạo nhân lực. Hiện nay cả nước có khoảng 97% DN chế biến điều có qui mô vừa và nhỏ nên vấn đề nâng cao giá trị gia tăng và khả năng tiêu thụ cho sản phẩm trên thị trường xuất khẩu và nội địa còn gặp nhiều mặt hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều DN còn thờ ơ với việc xây dựng thương hiệu riêng, số lượng nhà máy đủ điều kiện quản lý theo hệ thống ISO, GMP, HACCP còn ít. Trước những cơ hội và thách thức đó, ngành điều VN cần tìm hướng phát triển mới, trong đó cần đặt KH&CN lên vị trí then chốt.
Có thể nói đầu tư cho công nghệ là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực canh tranh của các DN. Công nghệ hiện đại giúp các DN dễ dàng hơn trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. KH&CN có ý nghĩa quyết định cho việc xây dựng thương hiệu điều từ khâu chọn giống đến khâu thành phẩm và xuất khẩu.
Tiền đề cho sự phát triển bền vững
Ngay từ năm 1999, khi ngành điều mới phát triển, các nhà khoa học VN đã nghiên cứu cho ra đời gần 10 giống điều cao sản có phẩm cấp chất lượng hạt cao như PN1, LG1, MH4/5, MH5/4… Các loại giống này được trồng nhiều ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, cho năng suất đạt từ 2-3 tấn/ha, cao gấp gần 6 lần so với các giống điều người nông dân tự sản xuất. Con số cây giống này hiện nay đã lên tới hàng trăm loại khác nhau.
Đến năm 2001, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã tiến hành đề tài nghiên cứu KC.06.04.NN “Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ và thị trường để phát triển vùng điều nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu”.
Đề tài này tạo ra một quy trình cấy ghép điều làm giảm giá thành của mỗi cây điều giống xuống 2.000đ/1cây và đã được áp dụng rộng rãi hầu hết các tỉnh trồng điều vùng Đông Nam bộ, vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Riêng 7 quy trình chế biến điều bằng công nghệ nước bão hoà đã chuyển giao cho hàng trăm DN trong nước và cả nước bạn Campuchia.
Ngoài ra, để tận dụng những bộ phận khác của cây điều, đã có hàng chục công trình nghiên cứu như: Sản xuất cồn khô từ trái điều, nước ép dinh dưỡng từ trái điều, rượu lên men từ hạt quả điều…
Song song với những nghiên cứu đó, ngành điều VN cũng đã có những dự án ưu tiên đầu tư phát triển đến năm 2010 và định hướng đến 2020. Trong đó, có một số dự án nổi bật như: “Dự án trồng điều năng suất và chất lượng cao” của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ; “Dự án cải tạo thâm canh tăng năng suất và chất lượng điều” của các trung tâm khuyến nông hoặc trung tâm giống cây trồng một số địa phương…
Theo ông Nguyễn Quân - Thứ trưởng Bộ KH&CN: “Thương hiệu là đối tượng gắn chặt nhất với quá trình lưu thông, tạo nên uy tín với khách hàng, là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong sản xuất và kinh doanh”. Bởi vậy ngoài việc áp dụng KH&CN vào các khâu từ tạo giống, chăm sóc, thu hoạch đến xuất khẩu thì các DN chế biến điều VN cần chú trọng việc bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình - chìa khoá mở ra cánh cửa thị trường rộng lớn và khắt khe của thế giới.
Hiện nay, các DN chế biến điều đang ngày càng vươn rộng ra thị trường thế giới, việc ứng dụng ngày càng có hiệu quả các tiến bộ KH&CN sẽ tạo đà cho sự phát triển bền vững của ngành điều trong tương lai.
• T.M