Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 9,6 triệu tấn trong năm 2024, tăng 2,4% so với năm ngoái. Trong đó, thuỷ sản khai thác đạt 3,86 triệu tấn, tăng 0,6% và thuỷ sản nuôi trồng đạt 5,75 triệu tấn, tăng 3,7%.

Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Trong đó, đáng chú ý là ngành hàng tôm với 4 tỷ USD, cá tra là 2 tỷ USD, các mặt hàng biển như cá ngừ, mực, bạch tuộc đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD.

Với con số này, thuỷ sản là nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau lâm sản.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận, đây là thành quả của nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT.

Hiện, thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt ở trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Song, để đạt mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD trong thời gian tới, ông Nam cho rằng thế mạnh này cần có động lực tăng trưởng mới. Theo đó, VASEP đề xuất lập chợ đấu giá để ngư dân bán được hàng với giá tốt nhất, nhà nước truy xuất được dữ liệu nguồn gốc thuỷ sản. 

W-xuat khau thuy san.png
Xuất khẩu thuỷ sản năm 2024 đạt hơn 10 tỷ USD. Ảnh: Hoàng Giám

Phó tổng thư ký VASEP cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số để xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng là tiền đề để doanh nghiệp đưa ra những giải pháp kiểm soát, hạn chế và trung hòa phát thải carbon hướng tới phát triển bền vững, thích ứng với xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới.

Hiện, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng AI giúp nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản.

Thực tế ở nước ta, thủy sản vốn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp. Tuy nhiên, thế mạnh này đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến quản lý chất lượng và yêu cầu từ thị trường quốc tế.

AI được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn này bằng cách giám sát và kiểm soát chất lượng nước, môi trường nuôi trồng và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như dịch bệnh, ô nhiễm nước. AI cũng có thể được sử dụng để quản lý và theo dõi lịch sử giao dịch của các lô hàng thủy sản, giúp đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về truy xuất nguồn gốc. 

Việc ứng dụng AI trong quản lý chuỗi cung ứng thủy sản không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo sự an toàn và chất lượng cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, sử dụng AI trong tự động hóa quy trình kiểm tra và phân loại thủy sản, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu các sai sót do con người gây ra.

Với vấn đề truy xuất nguồn gốc, các nước nhập khẩu thủy sản lớn như Nhật Bản, Mỹ và EU đều đòi hỏi sản phẩm phải có hồ sơ truy xuất nguồn gốc rõ ràng và minh bạch. Điều này không chỉ giúp kiểm soát chất lượng, mà còn xây dựng lòng tin với người tiêu dùng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu. 

Theo các chuyên gia, bằng cách tích hợp AI vào quy trình quản lý và truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp sản xuất thủy sản có thể dễ dàng theo dõi và ghi nhận lịch sử của từng lô hàng, từ quá trình nuôi trồng, thu hoạch cho đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Hệ thống này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí nhân công, tránh sai sót trong quá trình nhập liệu thủ công và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phân tích dữ liệu tiêu thụ để tối ưu hóa quá trình sản xuất, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với thị hiếu và nhu cầu thị trường.

Về quản lý tài nguyên và môi trường trong nuôi trồng thủy sản, tiềm năng ứng dụng công nghệ AI là rất lớn. Công nghệ viễn thám kết hợp với AI giúp thu thập dữ liệu về môi trường, nước và đất từ xa; cho phép giám sát chặt chẽ điều kiện sinh thái ở những khu vực nuôi trồng lớn mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người. 

Viễn thám đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện các hiện tượng bất thường như ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh hoặc thay đổi đột ngột về nhiệt độ, từ đó giúp các hộ nuôi trồng có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Trong khi với AI, dữ liệu thu thập từ vệ tinh và các cảm biến mặt đất có thể được phân tích nhanh chóng và chính xác hơn, hỗ trợ các nhà quản lý đưa ra quyết định hiệu quả hơn trong quản lý môi trường nuôi trồng. 

Từ những dữ liệu thu thập được có thể giúp Chính phủ và doanh nghiệp, người nông dân điều chỉnh các kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, đồng thời đảm bảo cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.

Hà Giang