Thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn
Đây là lần thứ hai kể từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình nguyên nhân, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên và đánh giá tình hình triển khai hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận của 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam (gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh). Đặc điểm này đã mang lại cho hai nước có lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.
“Trong nhiều năm vừa qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Các hoạt động về kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động thương mại biên giới nói riêng sôi động trở lại sau đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan tốt hơn và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng. Kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên cũng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là không khí sống hòa thuận giữa các dân tộc của hai đất nước, hai địa phương thân thiện hơn”, ông Diên nói.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của 2 nước tình hình biên mậu cũng có sự thay đổi. Hàng hóa của Việt Nam xuất sang Trung Quốc và ngược lại giờ đây sẽ chuyển hẳn từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Các đường mòn lối mở bị chặn đứng nhằm loại bỏ buôn lậu đồng thời thay đổi thói quen giao thương của người dân biên giới. Do vậy, chính sách truyền thông về các hiệp định/ chính sách thương mại biên giới giữa 2 nước cần được đẩy mạnh để thúc đẩy thương mại biên giới 2 nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và nâng cao giá trị.
Tăng cường truyền thông chính sách giao thương biên giới
Chị Ma Thị Hương, một tiểu thương thường xuyên buôn bán chè và hàng nông sản qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) cho biết: “Các thủ tục giao thương theo lối cũ giờ thay thế bằng các hình thức mới. Trước đây hàng hóa qua cửa khẩu thường đóng lẻ theo bao thì nay chúng tôi xuất nhập theo đơn hàng, từng lô. Việc kiểm soát hàng hóa và thông quan được tự động hóa nên dễ dàng hơn. Từ khi được cán bộ biên phòng tuyên truyền về các chính sách ưu đãi thuế và biên mậu giữa 2 nước, chúng tôi càng yên tâm làm ăn, buôn bán”.
Quay lại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các địa phương cũng như các bộ, ngành thảo luận, đề xuất những giải pháp để tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước nói chung, đặc biệt giữa các địa phương có chung đường biên giới với nhau. Bởi trước đó, các kiến nghị liên quan đến vấn đề mở, nâng cấp, công nhận cửa khẩu; kiểm dịch động thực vật tại các cửa khẩu đường mòn, lối mở; mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc… là những vướng mắc trong vấn đề giao thương của 7 tỉnh biên giới với Trung Quốc.
Trên cơ sở các kiến nghị của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt giữa các địa phương của hai nước có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã có những khởi sắc, quan hệ hợp tác và phối hợp cộng tác giữa hai bên tiếp tục được củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn. Do đó, các chính sách về quan hệ kinh tế, thương mại, nhất là thương mại biên giới cần phải bám sát thực tiễn. Để làm được điều này, công tác truyền thông chính sách có vai trò quan trọng để người dân các tỉnh biên giới tận dụng được tốt nhất các hiệp định thương mại giữa 2 nước.
“Có như vậy, trao đổi thương mại 2 chiều mới tương xứng với tiềm năng, khai thác hết được năng lực hạ tầng cửa khẩu; chuyển hoàn toàn xuất khẩu nông thủy sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Về lâu dài, chúng ta còn phải quy hoạch, đầu tư về hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên, nhất là hạ tầng kinh tế - thương mại biên giới (chợ, các trung tâm logictics, kho bãi…), kể cả hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại số. Có như vậy giao thương biên giới mới trở thành động lực phát triển kinh tế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cho các tỉnh biên giới phía Bắc”, ông Diên kết luận.
Được biết, trong 6 giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra, có thể kể đến các điểm nhấn như: Các địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch vùng, trong đó thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế thương mại khu vực biên giới. Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch. Với bộ NN&PTNT là đàm phán cấp mới mã số nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh để xuất sang Trung Quốc. Với Tổng cục Hải quan, là áp dụng cửa khẩu thông minh. Với Bộ Ngoại giao, là phối hợp thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu, mở mới các văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc…
Theo thống kê của Việt Nam, chỉ riêng 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ 2022.