Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2024 được tổ chức sáng 31/12/2023, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, năm 2023, bộ đã đẩy mạnh Tổ chức thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo đó, Bộ đã triển khai thực hiện giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các KCN, CCN, làng nghề, lưu vực sông…; trong đó, tập trung giám sát các cơ sở, khu vực có hoạt động sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường như: Các cơ sở thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formos Hà Tĩnh, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo, tỉnh Thái Nguyên, các cơ sở chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai, các cơ sở chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Phú Lâm tỉnh Bắc Ninh, các cơ sở chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn, tỉnh Bắc Ninh; Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn…
Bộ cũng hướng dẫn, đôn đốc để yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 92%; quản lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại (CTNH) thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Trên cả nước hiện có 117 cơ sở xử lý CTNH, theo báo cáo của các địa phương, đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý CTNH đạt khoảng 90%.
Tiếp tục triển khai xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, phối hợp với các địa phương tập trung xử lý ô nhiễm môi trường như Khu vực sông Bắc Hưng Hải; khu vực làng nghề Mẫn Xá, Văn Môn, tỉnh Bắc Ninh… Duy trì và tăng cường hiệu quả Đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của Trung ương và địa phương. Đường dây nóng về ô nhiễm môi trường Trung ương (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường là đầu mối tiếp nhận) đã tiếp nhận 457 thông tin phản ánh từ công dân…
Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt…
Mục tiêu đặt ra trong năm 2024 là cải thiện các chỉ số thành phần môi trường: trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 30 - 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Bên cạnh đó là tổ chức xây dựng, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ: Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam; Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030; tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu vực đô thị đạt 95%46; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Song song với đó là kiểm soát chặt chẽ về môi trường và hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 92% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025…