Theo đó, các ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển, cung ứng các dịch vụ thanh toán hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu phát triển thanh toán kinh doanh thương mại, chú trọng cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính công.
Toàn tỉnh Nam Định hiện có gần 2.000 trạm thu phát sóng di động (BTS) được lắp đặt. Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 115/2023/NQ-HĐND quy định mức thu, miễn thu một số phí, lệ phí cho tổ chức, cá nhân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nam Định, thách thức lớn nhất trong thanh toán không dùng tiền mặt là đang phát triển thiếu đồng bộ. Mỗi doanh nghiệp, đơn vị đều “tự thân vận động” và phát triển theo định hướng, thời gian khác nhau. Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cần có sự phát triển đồng bộ từ địa phương đến Trung ương, các ngân hàng, trung gian thanh toán, các đơn vị bán hàng, cung cấp dịch vụ và cuối cùng là thói quen của khách hàng.
Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định cho biết, qua thời gian triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự hưởng ứng, đồng tình ủng hộ của người dân đã xoá dần thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, chuyển sang sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, nhanh chóng và hiệu quả hơn cho người dùng.
Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Việc thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng được ứng dụng trong cả khu vực giao dịch công và giao dịch thương mại tại tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, dù có rất nhiều tiện ích song thực tế, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ tập trung cho người dân khu vực đô thị.