Đắk Lắk là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh; với đường biên giới dài hơn 71 km; dân số khoảng 1,9 triệu người, có 49 dân tộc cùng sinh sống.

Tỉnh có 15 đơn vị hành chính (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố) với 184 xã, phường, thị trấn, có 4 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Cao đài và Tin Lành với hơn 600.000 tín đồ, chiếm khoảng 1/3 dân số toàn tỉnh.

Sáng 30/5, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình phối hợp số 09/CTR-BCA-MTTW ngày 1/8//2013 giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, giai đoạn 2013 – 2023.

Quang cảnh Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh; công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ ANTQ từng bước đi vào chiều sâu; công tác xây dựng mô hình từng bước đi vào thực chất, nhiều mô hình tự quản về ANTT được xây dựng, sơ kết tổng kết và duy trì hoạt động hiệu quả.

Nổi bật là mô hình phong trào “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình”, Công an tỉnh đã duy trì hiệu quả xây dựng 234 trang Zalo, trong đó có 184 Công an xã, phường, thị trấn có trang Zalo, Cảnh sát khu vực, Công an viên phụ trách địa bàn đã lập được 1.172 nhóm Zalo thôn, buôn, tổ dân phố; Duy trì được 141 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ hiệu quả, 184 Dự án “Xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy”; Mô hình “Camera giám sát an ninh trật tự” tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột và mô hình “3 an toàn về an ninh trật tự” tại giáo xứ Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin cũng được chú trọng quan tâm và nhân rộng. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, được các đơn vị, địa phương học hỏi, nhân rộng. Đáng chú ý năm 2022, Công an tỉnh có 2 mô hình được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao và nhân rộng trên địa bàn toàn quốc.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ tỉnh luôn duy trì và nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền đảm bảo ANQG; vận động người có uy tín trong đồng bào DTTS tuyên truyền cho cán bộ, người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh PCTP, TNXH gắn trách nhiệm đối với người có uy tín để vận động gia đình, người thân và cộng đồng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ ANTQ trong tình hình mới. Mặt trận tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động đối thoại với nhân dân, phong phú và đa dạng như đón tiếp, trao đổi các đoàn đại biểu của các tỉnh Nam Lào và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) sang thăm, làm việc tại Đắk Lắk và của tỉnh Đắk Lắk sang thăm và làm việc tại các tỉnh Nam Lào và tỉnh Mondulkiri (Campuchia).

Đặc biệt, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo Mặt trận các cấp phối hợp cùng với UBND, Công an cùng cấp xây dựng 126 mô hình điểm về PCTP và ma tuý. Kết quả có gần 400 nghìn hộ gia đình đăng ký cam kết thực hiện tốt phong trào PCTP, TNXH ở gia đình và cộng đồng dân cư; ký kết với 5 đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh và tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Tin lành, cùng với hơn 2.300 mô hình “Tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản, tổ dân phòng, tổ liên gia, tổ hoà giải” ở cơ sở; hàng năm hoà giải gần 1.000 vụ việc, trong đó hoà giải thành công đạt tỷ lệ 75%, góp phần làm hạn chế tình hình vi phạm pháp luật trong nhân dân. Tiêu biểu trong phong trào trên có TP Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, Cư M’gar, Krông Năng, huyện M’Drăk, Buôn Đôn.

Tại Đắk Lắk, sự vào cuộc tiếp sức của các tổ chức đoàn thể khá sôi động như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của 143 mô hình với 6.091 thành viên, 82 câu lạc bộ với 2.536 thành viên về PCTP, TNXH, đảm bảo ANTT. Triển khai mô hình kết nghĩa giữa 721 chi hội phụ nữ người Kinh với 451 chi hội phụ nữ buôn đồng bào DTTS, giữa 134 hộ gia đình người Kinh với 136 hộ gia đình phụ nữ DTTS, tôn giáo.

Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả 352 mô hình “Chi hội nông dân an toàn về ANTT” với 10.340 hội viên tham gia; 133 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, 81 mô hình giúp cán bộ, hội viên nông dân phát huy tinh thần trách nhiệm tham gia PCTP, TNXH, đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở.

Tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp duy trì hoạt động của các Đội Thanh niên tình nguyện đảm bảo trật tự ATGT thu hút 1.000 đoàn viên thanh niên tham gia. Duy trì hoạt động các Câu lạc bộ, đội, nhóm tuyên truyền pháp luật như Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, “Thanh niên với pháp luật”; “Đội Thanh niên xung kích an ninh”, Đội Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”; các câu lạc bộ, đội, nhóm phòng, chống ma túy với hơn 3.000 đoàn viên thanh niên tham gia.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Chỉ đạo phong trào cần “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ  ANTQ trong tình hình mới”; coi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi để góp phần bảo vệ sự bình yên cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ an ninh, trật tự của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật, tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, TNXH, góp phần giữ vững ANCT, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức nâng cao hiệu quả phong trào phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân “vững chắc”. Xây dựng và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng tập trung đồng bào theo tôn giáo, các cơ sở giáo dục, các khu vực trọng điểm phức tạp về ANTT.

Cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước. Phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín, các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, dân tộc... làm hạt nhân, chỗ dựa của nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV