Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021. Tầm nhìn 2050 của Chiến lược đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường…
Với mong muốn trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi xanh nền kinh tế của Việt Nam. Ngày 17/4, Báo Điện tử VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” tại Hà Nội.
Thông tin từ Ban Tổ chức cho biết, Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”. Tuy nhiên chuyển dịch phát triển theo hướng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu. “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” là nơi thảo luận bàn giải pháp tháo gỡ thách thức khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất những cơ hội, chính sách mới trong phát triển kinh tế xanh bền vững tại Việt Nam.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: Trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Ông Sỹ cũng cho biết, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Nhà nước đã có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính... Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau bàn luận đến các nội dung như kinh tế số song hành với kinh tế xanh, thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế xanh, đổi mới công nghệ cũng như hành lang pháp lý để nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển xanh…
Đề cập đến giải pháp sau để đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, bà Tạ Thị Yên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế. Bên cạnh đó là cần tạo được sự đồng thuận, đồng lòng từ Chính phủ đến doanh nghiệp và người dân nhằm giải quyết các thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên… Song song với đó là tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường; đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn; tăng cường hợp tác quốc tế.
Dưới góc độ là đại biểu dân cử tại cơ quan lập pháp, bà Yên cho rằng, diễn đàn trao đổi ngày hôm nay sẽ là tiếng nói góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật cũng như các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi xanh nền kinh tế.
Huệ Anh