Cuối năm 2022, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp UBND huyện Cần Giờ công bố điểm đến du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Đây là sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo và khác biệt so với các sản phẩm du lịch khác của TP Hồ Chí Minh và cũng là lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh có một sản phẩm du lịch cộng đồng mang đặc trưng vùng biển.
Mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng là mô hình du lịch phát triển trên cơ sở khai thác năng lực của cộng đồng dân cư kết hợp với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của địa phương, do cộng đồng dân cư địa phương xây dựng và quản lý.
Ấp Thiềng Liềng có khoảng 211 hộ với hơn 10.000 người, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm muối và đánh bắt thủy hải sản, nuôi hàu ở cửa sông. Từ khi mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng hoạt động, có 16 hộ gia đình tham gia cung cấp các sản phẩm dịch vụ như: trải nghiệm, ẩm thực, lưu trú, văn hóa nghệ thuật địa phương phục vụ du khách.
Từ khi mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng ra mắt, chưa đến 1 năm sau, lượng khách đến Thiềng Liềng đạt 1.380 lượt, chưa tính số lượng khách tự do; doanh thu đạt hơn 330 triệu đồng. Và đến giữa năm 2024, Thiềng Liềng đã đón khoảng 4.500 lượt khách.
Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh có rất nhiều sản phẩm du lịch nông thôn như các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp xanh, sạch, hình thành ở TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Bình Chánh… thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Có thể nói, việc cộng đồng tham gia tổ chức mô hình du lịch đã tạo điều kiện cho những hộ nghèo và cận nghèo có cơ hội tham gia du lịch nhằm cải thiện mức thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời góp phần thực hện tốt tiêu chí nghèo đa chiều trong thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội đã tạo bước đệm vững chắc để xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện gắn với xây dựng môi trường văn hóa, môi trường xanh, sạch, đẹp, từ đó đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến năm 2025.
Chương trình nhằm thúc đẩy phát triển du lịch đến năm 2025 và các năm tiếp theo, tạo sự chuyển biến mới trong phát triển du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch TP.
Theo kế hoạch thực hiện chương trình, đến năm 2025, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, mỗi huyện sẽ xây dựng ít nhất từ 1 sản phẩm hoặc điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng trong không gian nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, phấn đấu xây dựng 2 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Song song đó, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, phấn đấu có 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ, mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.
Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và tiếp tục cập nhật bản đồ sản phẩm OCOP gắn với du lịch TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, việc phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới mà còn là giải pháp phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương, đồng thời cũng giúp quảng bá sản phẩm du lịch của TP.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã công nhận 191 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể, trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 112 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.