Trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp với gần 65,6% dân số sống ở nông thôn, chính vì vậy, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là xu thế tất yếu. Đây là một trong những hướng đi phù hợp, tất yếu cho ngành du lịch phát triển, đặc biệt là sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Tại hội thảo trực tuyến “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, nhận định du lịch nông thôn hiện nay chủ yếu là tự phát với quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp.
Theo ông Tiến, các sản phẩm du lịch nông thôn hiện đang tập trung vào các nhóm về sản phẩm dựa trên khai thác giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn; sản phẩm dựa trên khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp; sản phẩm dựa trên khai thác giá trị văn hóa truyền thống của khu vực nông thôn; sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao; nhóm sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.
Thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố cho thấy, hiện có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Lao động tham gia trong lĩnh vực du lịch nông thôn chỉ chiếm từ 5 - 10% trong ngành du lịch, trong đó 2/3 là lao động gián tiếp.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất, hạ tầng cho du lịch nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ. Thực trạng giao thông một số nơi (đường vào thôn, bản...) còn yếu kém, vấn đề xử lý nước thải, rác thải còn thiếu. Đồng thời, nguồn nhân lực phát triển du lịch nông thôn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, phần lớn là nông dân vừa canh tác nông nghiệp, vừa làm du lịch.
Du lịch nông thôn được đánh giá là vùng tiềm năng còn bỏ ngỏ của ngành du lịch và đây cũng là cơ hội để nhiều làng quê phát triển đời sống thông qua việc làm du lịch ngay tại địa phương mình, song hiện nay hình thức này vẫn chỉ chủ yếu là lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương, chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia.
Vì thế, theo ông Tiến, muốn phát triển du lịch nông thôn, cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đó là chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn…
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn; vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn.
Yến Hưng