Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo được coi là trọng điểm ở hai thôn Nà Ché và Nà Tạ (Thượng Giáo, Ba Bể, Bắc Kạn).

Nhiều hộ dân nhận thấy tiềm năng của mô hình này đã đầu tư, mở rộng quy mô chuồng trại. Đồng thời đẩy mạnh liên kết theo tổ nhóm, tìm đầu ra ổn định, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

{keywords}
 

Ông Hà Văn Dũng – hộ chăn nuôi ở thôn Nà Ché cho biết, thôn có 71 hộ nhưng có tới 40 hộ thực hiện chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và sinh sản.

Địa bàn thôn giáp với xã Nghiên Loan (Pác Nặm) nên có lợi thế là gần chợ trâu, bò, thuận lợi cho việc mua bán, lựa chọn vật nuôi theo mục đích và cách thức chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo có nhiều đặc điểm khác với nuôi trâu, bò ngắn ngày. Gia đình ông Dũng thường mua những con nhỏ và vừa. Sau đó nuôi vỗ béo trong 1 năm.

Thời điểm bán, trừ đi chi phí, ông lãi khoảng 20triệu đồng/con. Một số loại nuôi vỗ béo trong thời gian từ 1,5 – 2 tháng, lãi từ 2 – 3 triệu đồng/con.

Nguồn thức ăn cho trâu, bò vỗ béo dễ kiếm. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, ông chuyển đất ruộng kém, đất soi bãi sang trồng các loại cỏ. Các loại phụ phẩm nông nghiệp như: Rơm, thân cây ngô tươi, lá mía… được mang đi ủ chua, làm thức ăn giàu dinh dưỡng.

Ngoài ra, ông thường xuyên bổ sung thêm khoáng chất, tiêm phòng, trừ ký sinh trùng, các bệnh thường gặp như tụ huyết trùng, lở mồm long móng...

Đặc biệt, khu chuồng trại được xây dựng theo quy chuẩn, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Đảm bảo khu chuồng chăn nuôi khô thoáng, sạch sẽ. Các giai đoạn dế phát sinh dịch bệnh, ông răc svôi, khử trùng, tiêu độc…

“Cách nuôi trâu, bò vỗ béo, đảm bảo an toàn sinh học giúp đàn gia súc khỏe mạnh, ít ốm đau. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi ổn định, có điều kiện hơn trước”, ông Dũng nói.

Hơn một năm nay, gia đình ông Dũng tiếp tục đầu tư mở rộng thêm khu nuôi nhốt với tổng số 13 ô chuồng và duy trì đều đặn số lượng 10 con trâu.

Tại thôn Nà Tạ, gia đình anh Dương Văn Trần là hộ điển hình cho chăn nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học.

Khu nuôi nhốt rộng 800m2 của anh xây dựng cách xa khu dân cư. Ban đầu đây là khu đồi thấp, anh mạnh dạn thuê máy móc về san gạt thành bãi đất bằng phẳng rồi xây chuồng trại. Xung quanh khu vực nuôi còn có lớp đệm sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Ngoài anh và người nhà chăm sóc, người lạ ít được vào khu chuồng nuôi. Nguồn giống nhập trâu, bò cũng được kiểm soát chặt chẽ, có xuất xứ rõ ràng, tiêm chủng đầy đủ theo quy định của nhà nước.

“Làm chuồng trại thế này, giữu được vệ sinh môi trường, dễ chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh”, anh khẳng định.

Lúc cao điểm, khu chuồng có gần 50 con trâu, bò. Ba năm nay, anh còn kết nối với nhiều đầu mối tiêu thụ tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Sau khi vỗ béo, trâu, bò được chuyển đi các tỉnh: Nghệ An, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội… tiêu thụ.

Các hộ chăn nuôi tại 2 thôn Nà Tạ và Nà Ché không chỉ đẩy mạnh nuôi trâu, bò vỗ béo. Họ còn thành lập mô hình liên kết, thường xuyên tương trợ, trao đổi kinh nghiệp với nhau.

Dựa theo tiêu chí của mô hình liên kết, các hộ phát huy thế mạnh của mình. Ông Ma Thế Hóa (Nà Ché) có kinh nghiệm cũng cấp sản phẩm thịt trâu, bò tươi đã sơ chế cho nhà hàng, quán ăn trên địa bàn và là cơ sở chế biến thịt trâu, bò sấy khô. Khi trâu, bò được vỗ béo đủ thời gian, ông sẽ là đầu mối tiêu thụ.

Hộ bà Dương Ngọc Duyên (Nà Tạ) chăn nuôi trâu, bò sinh sản với số lượng từ 10 con trở lên, tạo nguồn cung cấp giống cho những hộ nuôi nhốt

Trong tương lai, các hộ chăn nuôi tại 2 thông có nguyện vọng thành lập hợp tác xã nuôi trâu, bò vỗ béo.

Việc thành lập hợp tác xã nhằm phát triển chuỗi chăn nuôi theo hướng liên kết chặt chẽ.

Trong đó những hộ nuôi sinh sản sẽ cung cấp con giống để quản lý nguồn gốc đầu vào, tránh rủi ro về bệnh dịch, giảm chi phí vận chuyển khi mua bán ở các địa phương khác.

Hộ chế biến thịt thương phẩm sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định. Hộ có nhiều đầu mối tiêu thụ sẽ thu hút được thương lái, bảo đảm đầu ra thuận lợi...

Mong muốn lớn nhất của bà con hiện nay là nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn thành lập hợp tác xã cũng như định hướng hoạt động một cách cụ thể để phát triển bền vững.

Trần Thường