Tai nạn đuối nước ở trẻ - vấn nạn nhức nhối cộng đồng
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT trong hội thảo trực tuyến "Thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh"; tính từ đầu tháng 5/2021 đến nay đã có 89 trẻ em tử vong do đuối nước, 54 vụ tai nạn đuối nước liên quan đến trẻ em trên cả nước. Phần lớn các vụ đuối nước đều do các em rủ nhau đi bơi, đi chơi mà không có người lớn đi kèm, giám sát; 77,6% các trường hợp trẻ tử vong do đuối nước xảy ra ở cộng đồng, số còn lại là ở gia đình (22,4%) và trong trường học (1%).
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa các trường hợp học sinh, trẻ em bị tai nạn đuối nước như: tuyên truyền, lồng ghép vào các hoạt động giáo dục của nhà trường; dạy bơi cho học sinh; nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên…
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị, cần có những giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ từ thụ động (giải quyết hậu quả) sang chủ động (phòng ngừa), bằng việc: tạo lập môi trường dạy kỹ năng sống; đưa kiến thức phòng chống đuối nước trở thành học phần bắt buộc của môn Giáo dục Thể chất trong trường học, đặc biệt ở các vùng, địa phương có chỉ số trẻ em bị tai nạn cao.
Trên thế giới, vấn nạn đuối nước ở trẻ vô cùng được quan tâm. Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về phòng, chống đuối nước không chỉ nhấn tác động to lớn của đuối nước đến sự an toàn và sinh mạng của người dân; mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. “Mất một đứa trẻ do đuối nước là một bi kịch mà gia đình phải gánh chịu, không cha mẹ nào nên trải qua nỗi đau đó”, TS. Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam bày tỏ.
Ông Kidong Park chia sẻ: “Chính phủ và các đối tác đã có những giải pháp giảm tử vong do đuối nước. Tuy nhiên ở cấp độ cộng đồng, chúng ta cần nâng cao nhận thức của mỗi gia đình để bảo vệ con em mình khỏi đuối nước”.
Phòng chống đuối nước bằng những chương trình thiết thực
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, phòng, chống đuối nước ở trẻ em là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. “Chúng tôi đã, đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em”, bà Hà nhấn mạnh.
Theo đó, hệ thống khung pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đang ngày càng hoàn thiện. Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước.
Để tăng cường các chương trình phòng, chống đuối nước, nhiều biện pháp can thiệp đã được triển khai sao cho phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam.
Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đã phối hợp cùng Tổ chức Vận động Chính sách Y tế toàn cầu triển khai chương trình phòng, chống đuối nước với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Y tế thế giới giai đoạn 2018 - 2020. Chương trình đã dạy bơi cho khoảng 14.000 trẻ em từ 6 - 15 tuổi và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 30.200 trẻ em tại 8 tỉnh có tỷ lệ đuối nước cao nhất toàn quốc. Bên cạnh đó, chương trình cũng xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, phổ biến tài liệu rộng rãi.
Các cơ quan chuyên môn nhấn mạnh, mỗi gia đình Việt Nam đều có thể góp phần thiết thực để phòng, chống đuối nước bằng cách: giám sát trẻ, dạy trẻ biết bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, giữ trẻ em tránh xa vùng nước…
Thúy Ngà