Bà Nguyễn Thùy Nhung - Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đánh giá, trong thời gian qua, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể để tạo khả năng, cơ hội cho phụ nữ tiếp cận và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thông qua các hình thức PBGDPL cụ thể, phong phú, đạt một số kết quả tích cực.

Đó là kết hợp giữa hình thức phổ biến trực tiếp; gián tiếp (qua zalo, facebook, fan page, trên Cổng Thông tin điện tử của Hội, trang web của Hội LHPN các các cấp); thông qua các thiết chế ở cơ sở (tủ sách pháp luật, câu lạc bộ pháp luật); qua hoạt động chuyên môn hoặc lồng ghép với các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.... 

phu nu.jpg
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể để tạo khả năng, cơ hội cho phụ nữ tiếp cận và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật 

Cụ thể như tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị giới thiệu, phổ biến về các văn bản, luật pháp, chính sách mới có liên quan, tập trung vào các nội dung liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; xây dựng chuyên mục “Hỏi – Đáp pháp luật” trên trang thông tin điện tử; thành lập và duy trì nhóm Zalo phục vụ cho công tác phổ biến và trao đổi công việc; tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị để giới thiệu, phổ biến về các văn bản, luật pháp, chính sách mới có liên quan, tập trung vào các nội dung liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam còn thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ thông qua công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư; Thông qua thành lập các Tổ tư vấn, tạo mạng lưới, tăng cường tham vấn chuyên gia là cán bộ của các cơ quan Tư pháp… 

Hiện nay, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang triển khai một số mô hình PBGDPL điển hình như: Mô hình Ngôi nhà Bình yên; Mô hình “Tổ tư vấn cộng đồng tại Chi hội phụ nữ khu phố, ấp”; Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; Mô hình Văn phòng Dịch vụ một điểm đến (OSSO) hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ, được thành lập và vận hành tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ và Hậu Giang… 

Qua đó, vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội được nâng lên, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội và nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng.

Mặc dù vậy, công tác PBGDPL cho đối tượng là phụ nữ thời gian qua vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Nhiều phụ nữ ở cơ sở, đặc biệt ở những khu vực khó khăn, vùng biên giới hải đảo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chưa được tiếp cận nhiều kiến thức pháp luật về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình, kỹ năng ứng xử khi gặp tình huống xảy ra. Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến quyền của phụ nữ có xu hướng gia tăng, chậm được phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời hoặc chưa có giải pháp căn cơ để phòng ngừa, khắc phục triệt để. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế nêu trên, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về bình đẳng giới, về vai trò năng lực của phụ nữ còn hạn chế. Bên cạnh đó cũng phải kể đến cả hạn chế trong nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ về quyền lợi của họ, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; định kiến về phân biệt đối xử, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội, trong gia đình.

Nội dung PBGDPL liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ, trong đó chủ yếu về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình, kỹ năng ứng xử khi gặp tình huống pháp luật chưa được chuyển tải thường xuyên, liên tục thông qua các hình thức, biện pháp cụ thể.

Hình thức PBGDPL chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế và khả năng tiếp cận pháp luật của phụ nữ. Việc lồng ghép PBGDPL với phong tục tập quán của các vùng dân tộc ít người chưa được quan tâm thực hiện cũng là tồn tại đáng kể trong việc đưa pháp luật đến với phụ nữ ở các dân tộc ít người.

Công tác phối hợp, báo cáo, phản hồi thông tin giữa bộ, ngành, đoàn thể, cấp hội, cơ quan có trách nhiệm trong PBGDPL, phòng, chống và xử lý các tội phạm xâm hại phụ nữ còn chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên.

Các giải pháp trong thời gian tới

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL cho phụ nữ trong thời gian tới, bà Nguyễn Thùy Nhung cho rằng cần thực hiện:

Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút, động viên, khuyến khích cán bộ phụ nữ tham gia công tác PBGDPL.

Tăng cường sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với công tác này, chú trọng lồng ghép nội dung PBGDPL các quy định pháp luật liên quan tới phụ nữ như pháp luật về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình... trong các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL hằng năm. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương với Hội phụ nữ các cấp trong triển khai công tác PBGDPL cho đối tượng này.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho phụ nữ phù hợp với sự phát triển của giới, đặc biệt là thông qua các tình huống, vụ việc cụ thể; gắn phổ biến các quy định pháp luật với các kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi xâm hại. Tăng cường, đa dạng các hình thức PBGDPL phù hợp cho phụ nữ, trong đó chú trọng các hình thức, biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin để phụ nữ tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng.

Phát huy vai trò của thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL của Hội phụ nữ các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực công tác gắn với thực hiện công tác PBGDPL cho phụ nữ, lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật có hiệu quả, chú trọng truyền thông, PBGDPL cho phụ nữ và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình…

Nâng cao năng lực, hiểu biết cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở về kiến thức, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trong đó đặc biệt chú trọng kỹ năng tư vấn, PBGDPL. Đồng thời, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ, công chức của ngành trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng chính sách, pháp luật.

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý hướng tới đối tượng là phụ nữ. Duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả thiết thực nhằm thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia, góp phần phát huy vai trò đại diện của tổ chức trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ; tập trung cho phụ nữ nghèo, thuộc diện chính sách, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, có điều kiện khó khăn; thực hiện lồng ghép PBGDPL,trợ giúp pháp lý cho phụ nữ với các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí; xây dựng phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Quan tâm bố trí nguồn lực, bao gồm cả nguồn kinh phí để triển khai công tác PBGDPL cho phụ nữ, có chế độ hợp lý đối với lực lượng trực tiếp thực hiện công tác này. 

Văn Điệp và nhóm PV, BTV