Ngày 7/4, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ họp báo thông tin về quá trình xây dựng dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao chủ trì xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Việc này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ.
Từ đó góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) tập trung vào 4 chính sách, trong đó có các quy định về tài liệu lưu trữ điện tử. Cụ thể, dự thảo làm rõ giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ điện tử; quy định những yêu cầu của hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, kho lưu trữ số; thực hiện nghiệp vụ về thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ điện tử.
Các quy định này nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với quy định trong các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an ninh mạng, tiếp cận thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước.
Đồng thời, đặt ra những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử và kho lưu trữ số để quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ điện tử, đáp ứng yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.
Theo ông Tùng, một nội dung quan trọng khác là dự thảo quy định giá trị của tài liệu lưu trữ tư; trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ tư; thành lập, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của tổ chức lưu trữ tư.
Các quy định này nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.
Theo đó, Nhà nước có những chính sách để công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu lưu trữ tư và tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ.
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) dự kiến gồm 9 chương, 48 điều. Hiện nay Bộ Nội vụ đang tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Chính phủ vào tháng 6 tới đây. Sau đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.
Tại buổi làm việc với Bộ Nội vụ mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi nhận nhiều kết quả trong công tác lưu trữ như việc trang bị hơn 100km giá lưu trữ tài liệu. Trong đó có nhiều tư liệu, tài liệu quý như Mộc bản Triều Nguyễn, Châu bản Triều Nguyễn là 2 di sản tư liệu thế giới. “Có lần tôi cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (khóa 2011 – 2016) tới thăm Cục Văn thư Lưu trữ của Mỹ. Lãnh đạo cục đã in những lá thư đầu tiên viết bằng tay của ông John Kerry và John McCain gửi Tổng thống Bill Clinton để đề xuất bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tặng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Từ những lá thư đầu tiên đó cho đến năm 1995, sau 20 năm hai nước mới bình thường hóa quan hệ”, bà Trương Thị Mai kể. Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của Cục Văn thư Lưu trữ trong việc lưu trữ, gìn giữ những tư liệu, tài liệu quan trọng, quý báu của quốc gia. Vì vậy, Nhà nước cần quan tâm đầu tư nguồn lực để cục xứng đáng là nơi lưu trữ của quốc gia. |