Số hoá du lịch sẽ thu hút thêm nhiều du khách
Tại diễn đàn "Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số" sáng 2/10, ông Lê Bá Ngọc- Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), cho biết, hiện du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tỷ lệ du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng của du lịch nông thôn hàng năm vào khoảng 10-30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ là 4%.
Việt Nam hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn gồm: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cụ thể, cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch.
Ông cho rằng, việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn sẽ giúp thu hút được thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và nắm được hành vi của khách hàng.
Do đó, để phát triển du lịch nông thôn, ông đề xuất cho phép kết hợp với các tổ chức quốc tế xúc tiến và quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn của Việt Nam.
Du lịch nông nghiệp nông thôn là một thế mạnh của Việt Nam (ảnh: Phạm Hải) |
Cùng với đó, cho phép Vietcraft phối hợp với Bộ NN-PTNT, một số tỉnh thực hiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số cho 6 mô hình tiêu biểu như: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn, vườn quốc gia, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh và mô hình du lịch không phát thải.
Ông cũng mong Bộ NN-PTNT và Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch cho phép và phối hợp thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa quốc gia các giá trị văn hóa vật thể và phí phục vụ phát triển du lịch của 54 dân tộc Việt Nam để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.
Thực tế, phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thấp hơn... so với các khu vực khác.
Ông nhấn mạnh, cần sự hỗ trợ của nhà nước, của các chuyên gia để chuyển đổi số ở khu vực nông thôn đi vào thực chất, hiệu quả.Phải làm sao để thực hiện các kết nối và xây dựng các ứng dụng thuận tiện nhất để bà con nông dân ở những vùng nông thôn, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận công nghệ số, tiếp cận thị trường du lịch.
Cần tích hợp, liên thông, chia sẻ thông tin, phát triển các ứng dụng dùng chung cho phát triển du lịch nông thôn trên cơ sở kế thừa những nội dung đã có từ ngành du lịch, nông nghiệp nông thôn, chương trình OCOP, các địa phương, doanh nghiệp, hướng tới sự thống nhất chung, tránh chồng chéo, gây lãng phí tài nguyên.
Xây dựng các ứng dụng công nghệ cho du lịch nông thôn cần có sự gắn kết với tổng thể du lịch Việt Nam, với khu vực đô thị và trung tâm gửi khách. Từ đó tạo ra mạng lưới sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn khách du lịch, hỗ trợ cho khai thác hiệu quả du lịch nông thôn. Trước hết có thể tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình Làng du lịch thông minh tại những nơi có điều kiện phát triển. Ưu tiên phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho khu vực được thí điểm phát triển mô hình.
Xây bản đồ du lịch trên nền công nghệ số
Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM, chuyển tải giá trị nhân văn là yếu tố giúp du lịch nông thôn bền vững. Từ nhiều năm nay, các địa phương đều đã có phương án phát triển hướng đi này.
Thế nhưng, để mang đến những trải nghiệm du lịch nông thôn đặc sẵn, hấp dẫn, bà cho rằng địa phương xây dựng những sản phẩm đặc sắc, độc đáo, mang giá trị cốt lõi là giá trị nhân văn. Trên những cơ sở như đặc điểm tự nhiên, khí hậu, các tỉnh, thành phố sẽ tạo ra những sản phẩm mang tính duy nhất.
Đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp thu hút du khách đi du lịch tới các vùng nông thôn ở nước ta (ảnh: PAT) |
Song song với đó là vấn đề chuyển đổi số. Bởi, trong thời đại 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý, cũng như tạo ra những ấn tượng, trải nghiệm ban đầu cho du khách. Bà gợi ý các địa phương có thể nghiên cứu tạo ra một sản phảm trải nghiệm sẵn trên không gian mạng.
Theo bà Lan, có thể xây dựng những câu chuyện về giá trị nhân văn tại địa phương; phát triển một bộ thuyết minh cho các tuyến du lịch; tạo ra những hình ảnh, hoặc biểu tượng về những nét văn hóa, lịch sử đặc thù, đặc hữu. Dựa trên bộ dữ liệu này, địa phương sẽ tạo ra những chất liệu để thiết kế trên không gian mạng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN-PTNT nhận định, du lịch nông thôn đang là xu thế, cần khai thác hiệu quả. Song, điều cần làm ngay là kết nối và quảng bá sản phẩm cho các địa phương.
Theo ông, các mô hình du lịch nông thôn rất đa dạng nhưng cần phải có điểm chung là đảm bảo được giá trị nhân văn, văn hóa, mang sắc thái của từng địa phương.
“Các sản phẩm du lịch phải kết tụ được giá trị nhân văn, giá trị văn hóa của từng địa phương nhằm tạo ra điểm nhấn khác biệt cho từng địa phương cho dù cùng một vùng địa lý, nâng cao giá trị cho sản phẩm”, ông nhấn mạnh.
Về xây dựng bản đồ du lịch trên nền tảng công nghệ số, Thứ trưởng Nam bày tỏ sự ủng hộ và cho biết sẽ có những đề án riêng vấn đề này.
Hà Giang