Những tín hiệu tích cực
Xóm Nặm Trá, xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm là nơi có nhiều cặp vợ chồng tảo hôn nhất, cả xóm có 87 hộ dân, trong đó có 56 hộ dân tộc Mông; hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 80%.
Nơi đây, điều kiện phát triển kinh tế và đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, không có đường ô tô đến xóm, những hôm trời mưa thì xe máy cũng không thể đi nổi, địa hình đồi núi phức tạp, các hộ dân sống rải rác ở các đỉnh đồi, triền đồi.
Cà Lò- xóm vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc có địa hình dốc núi hiểm trở, đường đi lại khó khăn, không điện, không nước, không sóng điện thoại... 34 hộ dân tộc Dao ở đây cuộc sống, sinh hoạt gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nên còn nhiều hủ tục.
Cả xóm có hơn 80% hộ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhiều em nhỏ mới 12, 13 tuổi đã nghỉ học ở nhà và gánh thiên chức là những người vợ, người mẹ. Việc kết hôn sớm và anh, chị, em họ kết hôn trong phạm vi 3 đời khiến cho tỷ lệ trẻ em sinh ra bị suy dinh dưỡng, thấp còi, bị hội chứng down, dị tật bẩm sinh, bạch tạng, bệnh tan máu bẩm sinh...
Với diện tích rộng, địa hình lại bị chia cắt bởi đồi núi, cư dân thưa thớt, với khoảng 70 người/km2, nhiều bản làng cách xa khu trung tâm, nhiều vùng DTTS tại Cao Bằng “hội tụ” nhiều lý do khiến nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn tồn tại. Tại một số bản làng, anh chị em con chú – con bác hoặc tương đương kết hôn với nhau vẫn còn phổ biến.
Trước thực tế này, từ năm 2019, Cao Bằng cấp tập triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS của tỉnh Cao Bằng” song song việc thực hiện Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng chủ trì).
Mục tiêu của tỉnh Cao Bằng là giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành, đoàn thể đang đem lại những tín hiệu tích cực. Đến hết tháng 9/2022, con số này chỉ còn 59 cặp. Trong đó, 8/10 huyện, thành phố không phát sinh trường hợp tảo hôn.
Duy còn hai huyện vẫn còn tảo hôn là Hà Quảng và Bảo Lạc.
Đặc biệt quan tâm việc nâng cao trình độ người dân
Hôm 13/6, đoàn khảo sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Bàn Quý Sơn, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn khảo sát việc triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” tại huyện Hà Quảng.
Là huyện vùng cao, biên giới, Hà Quảng có tới 99,5% đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,62%. Trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật hạn chế, nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt của người dân.
Theo kết quả rà soát, từ năm 2015 - 2023, trên địa bàn huyện có 353 cặp tảo hôn, chiếm 10,77%, trong đó, 154 cặp dân tộc Mông, 90 cặp dân tộc Dao, 101 cặp dân tộc Nùng, 8 cặp dân tộc Tày; có 234 nam giới kết hôn dưới 20 tuổi, 266 nữ giới kết hôn dưới 18 tuổi. Tổng số cặp kết hôn tảo hôn 1 người (vợ hoặc chồng) là 188 cặp/3.277 cặp kết hôn, chiếm 5,73%. Huyện có 13 cặp hôn nhân cận huyết thống.
Thời gian qua, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Lồng ghép nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các buổi sinh hoạt khu dân cư, hội nghị, giao lưu văn hóa, lễ hội, ngoại khóa trường học, hội thi… Tổ chức tập huấn cho cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, các xã, thị trấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông vận động, chuyển đổi hành vi.
Từ năm 2016 - 2021, huyện triển khai 2 mô hình điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” tại xã Thanh Long (Bình Lãng cũ) và xã Nội Thôn.
Từ tháng 5/2015 - 5/2023, trên địa bàn xã Nội Thôn có 9 cặp tảo hôn, trong đó có 5 cặp tảo hôn 1 người, 4 cặp tảo hôn 2 người; xã không có hôn nhân cận huyết thống. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã phối hợp tổ chức 15 cuộc tuyên truyền cho 5.875 lượt người, tư vấn trực tiếp 1 cặp tảo hôn.
Kết luận cuộc rà soát, trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn đề nghị huyện Hà Quảng tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”.
Đặc biệt quan tâm việc nâng cao trình độ người dân thông qua việc học văn hóa, tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật; xóa bỏ một số phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, định hướng và kiểm soát việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống; ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đến sự phát triển tâm sinh lý trẻ vị thành niên.
Đi cùng với đó là chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở trong điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.