Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) ngày càng gia tăng ở Việt Nam và là nguyên nhân gián tiếp gây tử vong ở mẹ và bé.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức về ĐTĐTK và quản lý bệnh một cách có hệ thống, PV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế xung quanh về vấn đề này.

{keywords}
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế

- Bệnh đái tháo đường nói chung và đái tháo đường thai kỳ nói riêng đang gia tăng ở Việt Nam và trên toàn cầu. Ông có thể cho biết ý kiến đánh giá của Bộ Y Tế trong việc ký kết hợp tác chiến lược với công ty Abbott trong việc phổ biến hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ?

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2017, Việt Nam có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường, tương đương với 6% tổng dân số.

ĐTĐTK không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.

Trước thực trạng này, chương trình “Phòng ngừa và Quản lý Đái tháo đường thai kỳ, góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam” ra đời, không chỉ giúp dự phòng, giảm thiểu các trường hợp tử vong mẹ do nguyên nhân gián tiếp mà còn đóng góp thiết thực vào việc thực hiện dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế; qua đó cũng gián tiếp góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

{keywords}
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo phổ biến hướng dẫn quốc gia về đái tháo đường thai kỳ

- Ông có thể chia sẻ rõ hơn về chương trình “Phòng ngừa và Quản lý Đái tháo đường thai kỳ, góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam?

Chương trình “Phòng ngừa và Quản lý Đái tháo đường thai kỳ, góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam” tập trung vào các hoạt động: Giáo dục bệnh nhân và cộng đồng về cách thay đổi lối sống cũng như chế độ ăn uống cho những người mắc ĐTĐTK; Phát triển các hướng dẫn quốc gia về phòng ngừa và kiểm soát ĐTĐTK; Nâng cao kiến thức và hiệu quả của đội ngũ nhân viên y tế thông qua đào tạo; Phát triển chương trình sàng lọc và chẩn đoán được chuẩn hóa.

Dự kiến trong năm đầu tiên, chương trình sàng lọc và chẩn đoán thí điểm sẽ được triển khai tại 15 bệnh viện chính với kỳ vọng mang lại lợi ích cho 75.000 người, đồng thời giúp giảm tỷ lệ mắc ĐTĐTK ở Việt Nam.

- Vậy đến nay, chương trình Phòng ngừa và Quản lý Đái tháo đường thai kỳ đã thực hiện được đến đâu, thưa ông?

Tháng 10/2018 vừa qua, Công ty Abbott đã phối hợp và hỗ trợ Bộ Y tế để tổ chức hội thảo phổ biến Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ.

Thông qua hội thảo phổ biến, các Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo bệnh viện cũng như các cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trên toàn quốc hiểu được tầm quan trọng của đái tháo đường thai kỳ, từ đó có kế hoạch triển khai tầm soát, tư vấn cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ hiểu biết về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường.

- Hướng dẫn quốc gia này có ý nghĩa như thế nào trong việc hỗ trợ đội ngũ y bác sỹ trong việc điều trị đối với bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ?

Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ được giới thiệu lần này là tài liệu chính thức đầu tiên được thực hiện ở cấp quốc gia về ĐTĐTK.

Hướng dẫn quốc gia này sẽ được áp dụng cho tất cả các cơ sở Y tế bao gồm cả Y tế nhà nước và tư nhân; là cẩm nang hướng dẫn cho cán bộ y tế trong quá trình cung cấp dịch vụ và cũng là cơ sở để xây dựng các tài liệu đào tạo cho cán bộ y tế, công tác giám sát, đánh giá chất lượng cung cấp dự phòng và kiểm soát ĐTĐTK.

- Vậy sau hướng dẫn quốc gia về ĐTĐTK, kế hoạch sắp tới của Bộ Y tế là gì?

Bộ Y tế tiếp tục xây dựng Tài liệu Đào tạo và tiến hành đào tạo cho cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại một số tỉnh được lựa chọn.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục huy động các nguồn kinh phí để có thể triển khai tới 63 tỉnh/thành phố. Về lâu dài, ngành Y tế sẽ phấn đấu để cán bộ ở tuyến cơ sở có đủ kiến thức sàng lọc phát hiện, tư vấn, chuyển tuyến cũng như theo dõi, hỗ trợ thai phụ bị ĐTĐTK thực hiện chế độ điều trị, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa, nhất là kiểm soát chế độ dinh dưỡng, tập luyện nâng cao sức khoẻ phù hợp.

Ngoài ra, sẽ triển khai các chiến dịch truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm thông tin và có thể dự phòng được bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Xin cám ơn ông!

Thu Linh