Trong thời gian qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Gia Lai đã giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng để triển khai các hoạt động hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng ở các huyện nghèo và các thôn, làng. Nguồn vốn này được cụ thể hóa thành nhiều tiểu dự án như hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, hỗ trợ nhà cho hộ nghèo và hộ cận nghèo...
Qua đó, giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh Gia Lai đã giảm được 15,75% số hộ nghèo (bình quân giảm trên 3,15% mỗi năm). Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 5,33%/năm.
Cuối năm 2018 đến nay, tỉnh Gia Lai không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm. Với sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp chính quyền cùng sự chung tay, nỗ lực của nhân dân Gia Lai, cái nghèo đang từng bước bị đẩy lùi.
Tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh, từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đến nay, mỗi năm các hộ nghèo được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để thực hiện những hoạt động giảm nghèo. Phát huy hiệu quả nguồn vốn, UBND xã Ia Ka đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thống kê số hộ nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo và tái nghèo, từ đó triển khai chương trình phù hợp với nguyện vọng của từng hộ dân như dạy nghề, làm nhà mới, tặng bò sinh sản, tặng máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Phương châm của địa phương là hỗ trợ bà con tạo sinh kế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm nhằm tạo động lực để các hộ thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là nhiệm vụ mục tiêu được tỉnh Gia Lai quan tâm và chú trọng.
Đó là đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện xóa nghèo đa chiều, giảm các tiêu chí thiếu hụt. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ nghèo nỗ lực vươn lên, chủ động xin thoát nghèo. Kết hợp vừa hỗ trợ vay vốn ưu đãi, vừa hướng dẫn các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao thu nhập. Hướng dẫn người nghèo sản xuất theo hướng tổ sản xuất gắn với doanh nghiệp; vận động tham gia vào tổ chức nông hội để trao đổi thông tin, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.