Nhiều ngân hàng quy mô nhỏ đang đẩy lãi suất huy động trung, dài hạn lên cao, tạo ra khoảng cách ngày càng xa so với những ngân hàng quy mô lớn. Sự phân hóa giữa các ngân hàng rất rõ rệt khiến nhiều DN nhỏ bị thiệt thòi khi phải chịu lãi vay cao.
Lãi suất đồng loạt tăng: Cảnh báo điều lo ngại nhất đang đến gần
Phân hóa rõ rệt
Theo biểu lãi suất tháng 11/2018 của VIB (NH TMCP Quốc tế ), khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất 8,4%/năm. Còn tại PVCombank (NH TMCP Đại chúng) cũng số tiền trên, gửi kỳ hạn 13 tháng là 8,5%/năm. Với SeABank (NH TMCP Đông Nam Á) khách gửi số tiền lớn, kỳ hạn 14 tháng sẽ hưởng lãi 8,2%/năm. Tại TP Bank, với số tiền 100 tỷ đồng trở lên, gửi kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi 8%/năm và 24 tháng là 8,4%/năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) khác không quy định về số tiền lớn mà là thời gian gửi. Chẳng hạn, Ngân hàng Bắc Á đang huy động kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lãi suất 8%/năm; Ngân hàng Quốc dân từ 12-24 tháng 8%/năm; Ngân hàng Bản Việt kỳ hạn 24 tháng 8,6%/năm; Ngân hàng Việt Á kỳ hạn13 tháng trở lên là 8%/năm; Ngân hàng Xây dựng kỳ hạn từ 12-24 tháng là 8%/năm.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng TMCP nhỏ đang ở mức cao |
Đấy là chưa kể một số NH TMCP khác có lãi suất huy động trung dài hạn khoảng 7,5%/năm nhưng vẫn có chương trình ưu đãi, hoặc cộng lãi suất ngoài, tính ra cũng lên tới 8%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở đi.
Mặt bằng lãi suất này đang tạo ra khoảng cách với những NH TMCP có vốn Nhà nước. Hiện Vietcombank (Ngân hàng Ngoại thương) đang huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên là 6,6%/năm, Vietinbank (Ngân hàng Công thương) và Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp) kỳ hạn từ 12-24 tháng là 6,8%/năm, còn BIDV (Ngân hàng Đầu tư phát triển) kỳ hạn 12-24 tháng là 6,9%. Khoảng chênh lệch này từ 1,1 đến 2 điểm phần trăm/năm.
Có thể nói, đây là mức lãi suất huy động trung dài hạn cao nhất trong 3 năm qua. Lãi suất huy động cao thể hiện thanh khoản của các ngân hàng nhỏ đang có vấn đề. Áp lực thanh khoản lên hệ thống ngân hàng thường tăng khi bước vào quý 4 hàng năm, là thời điểm nhu cầu thanh toán, sản xuất kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh để chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm. Những ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên cao chứng tỏ thanh khoản đang eo hẹp.
Nhìn biểu lãi suất có thể thấy sự phân hóa giữa các ngân hàng rất rõ rệt. Những ngân hàng nhỏ, thương hiệu danh tiếng hạn chế, mạng lưới các phòng giao dịch ít sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn trên thị trường 1 (thị trường thu hút tiền gửi của khách hàng cá nhân và các tổ chức).
Tuy nhiên, cũng không phải chỉ có khách hàng, mà ngay cả những ngân hàng khác cũng có phản ứng tương tự với các nhà băng nhóm dưới. Thị trường liên ngân hàng là nơi các ngân hàng nhỏ có thể tìm đến để vay vốn, nhưng các ngân hàng nhỏ cũng không huy động được, vẫn phải tăng lãi suất để tăng cường huy động vốn trong dân. Điều này dễ dẫn đến cuộc “chạy đua” tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng và gây áp lực lên lãi suất cho vay.
Ảnh hưởng từ "cuộc đua" lãi suất, các DN nhỏ sẽ khó vay vốn? |
Lãi vay tăng cao?
Vấn đề quan trọng hơn, theo giới chuyên môn, khi lãi suất huy động tăng cao thì lãi suất cho vay từ các ngân hàng này sẽ là bao nhiêu?
Hiện các NH TMCP có vốn Nhà nước đang cho vay trung dài hạn với những lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường lãi suất phổ biến từ 9,3-10,3%/năm. Ở nhóm NH TMCP, mức lãi suất cho vay thông thường cao hơn khoảng từ 0,5-1 điểm phần trăm.
Nhưng với việc đẩy lãi suất huy động lên, lãi suất cho vay trung dài hạn từ nhóm NH TMCP nhỏ, có thể lên tới 12-13%/năm. Đây là lãi suất khá cao, so với các nước trong khu vực có thể gấp từ 2-3 lần.
Trong khi đó, các DN nhỏ thường khó tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ những ngân hàng lớn, thường phải tìm đến những ngân hàng nhỏ. Phải chấp nhận lãi suất cao thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gặp khó khăn.
Đại diện một DN nhỏ trong lĩnh vực cơ khí - điện tại Thanh Trì, Hà Nội, cho biết, họ không thể tiếp cận được các ngân hàng lớn, chỉ có thể tìm đến những ngân hàng nhỏ. Vốn vay dài hạn của ngân hàng nhỏ thấp nhất cũng ở mức 9%/năm, nhưng chỉ được năm đầu. Năm sau lại thay đổi, bị đẩy lên khoảng 11-12%. Trong khi đó, lợi nhuận của DN chỉ ở dưới 10%. Vì vậy, nhiều khi không dám vay vốn, bởi cầm chắc thua lỗ.
Một số DN nhỏ cho hay lãi vay cao là nguyên nhân khiến họ không dám vay vốn và phải từ chối các đơn hàng cũng như không thể mở rộng sản xuất kinh doanh. Vốn vay trung và dài hạn thấp mới khuyến khích các DN đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh.
Nhiều kỳ vọng đặt ra từ đầu năm 2018 là lãi suất sẽ giảm để hỗ trợ cộng đồng DN. Thế nhưng, kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng. Không những thế, xu hướng tăng lãi suất huy động được dự báo vẫn tiếp tục thì việc tăng lãi suất cho vay là điều khó tránh khỏi.
Trần Thủy
Lãi suất 700%: Nhắm mắt vay liều, thảm cảnh bán nhà trốn nợ
Tín dụng đen bùng phát cùng lãi suất cắt cổ lên tới hơn 700% - nguy cơ gây ra những hệ lụy lớn cho xã hội. Không ít khách hàng vừa vay tiền xong đã phải oằn lưng trả nợ, tán gia bại sản.
Ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lãi suất: Lo biến động cuối năm
Hàng loạt ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, theo hướng tiền gửi càng nhiều, kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao, chưa kể các "chiêu" khác để dụ khách gửi tiền.
Vay nóng chục ngàn tỷ, ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất
Hàng chục ngàn tỷ đồng được giao dịch ở mức lãi suất cao đáng ngạc nhiên trong bối cảnh chính sách và số liệu về tăng trưởng tín dụng cho thấy nhiều tổ chức đã sắp hết room cho những tháng cuối năm.