Quý I/2019 chứng kiến những báo cáo kinh doanh đầy thất vọng của các hãng sản xuất smartphone đình đám, từ Samsung cho tới Apple. Trong khi lợi nhuận của Samsung tụt xuống mức kỷ lục, phải trông chờ vào mảng chip trong quãng thời gian tiếp theo thì doanh số iPhone cũng đứng trước nguy cơ khủng hoảng khi giảm tới 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ vậy, CEO Sundar Pichai của Google cũng thừa nhận việc bán những chiếc smartphone cao cấp và đắt tiền đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Có thể nói, một đám mây u ám đã bao trùm cả thị trường smartphone từng rất nhộn nhịp và sôi động mấy năm trở lại đây. Tuy nhiên, điều này cũng phù hợp với các dự đoán trước đây của giới chuyên gia, khi cho rằng người tiêu dùng không còn nhiều hứng thú với việc nâng cấp điện thoại thông minh hằng năm. Thay vào đó là việc họ giữ chiếc điện thoại cũ để sử dụng lâu hơn.
Đối mặt với khó khăn, các nhà sản xuất bắt đầu hối hả đi tìm kiếm hướng đi mới. Câu ngạn ngữ "Khi một cánh cửa đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra" khá đúng trong trường hợp này. Apple hướng tới việc tăng doanh thu từ mảng dịch vụ với Apple Music, iCloud, Apple Pay và App Store. Bên cạnh đó là một loạt dịch vụ mới như Apple TV Plus, News Plus, Apple Arcade và Apple Card. Trong khi đó Samsung và Huawei đặt cược vào những công nghệ mới như màn hình gập và di động hỗ trợ 5G. Một số hãng khác thì đầu tư vào việc nghiên cứu thực tế tăng cường AR, công nghệ hiển thị các hình ảnh kỹ thuật số trong thế giới thực thông qua một thiết bị đặc biệt.
Tuy nhiên, vẫn còn một "mỏ vàng lộ thiên" đầy tiềm năng nhưng ít được các hãng công nghệ chú ý đến, đó chính là thị trường phụ kiện công nghệ, nổi bật như đồng hồ thông minh và các thiết bị đeo. Bởi người dùng tuy không còn chăm chút để lên đời thiết bị cầm tay của mình, những họ vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra để sắm các thiết bị công nghệ đi kèm mới mẻ nhằm tăng thêm trải nghiệm sử dụng của mình.
Trong lúc chờ đợi smartphone màn hình gập hay điện thoại hỗ trợ 5G hoặc cái sản phẩm đột phá nào ra mắt, phụ kiện công nghệ chính là nơi mà các hãng smartphone cần để mắt tới. Đáng tiếc rằng, dù nhận ra cơ hội tiềm năng nhưng không phải nhà sản xuất nào cũng có thể tham gia vào sân chơi này. Một trong những lý do chính là từ nhiều năm qua, Apple đã âm thầm chiếm lĩnh và dẫn dắt thị trường.
Điển hình là trong Q1/2019, Apple Watch đã có mức tăng trưởng gần 50% và tiếp tục là smartwatch bán chạy nhất toàn cầu. Thị phần smartwatch của Apple thậm chí gấp hơn ba lần so với hãng xếp thứ hai là Samsung.
Đây cũng là quý có kết quả kinh doanh tốt nhất của Apple Watch từ trước tới nay, không tính các quý cuối năm vốn bao gồm kỳ nghỉ lễ. Tổng cộng, mảng thiết bị đeo, gia dụng và phụ kiện của Apple đạt tới 5,1 tỷ USD doanh thu. Nên biết rằng cùng kỳ năm ngoái, mảng này chỉ đạt 3,94 tỷ USD.
Theo chuyên gia phân tích Satyajit Sinha của Countepoint, Apple Watch Series 4 với nhiều cải tiến như khả năng đo điện tâm đồ ECG, đã giúp doanh số Apple Watch tăng trưởng mạnh.
Samsung, như thường lệ vẫn đi sau đối thủ chính của mình. Tuy nhiên, năm vừa qua cũng chứng kiến bước tiến của Samsung ở lĩnh vực này. Số liệu cho thấy độ tăng trưởng trong mảng smartwatch của Samsung đạt tới con số 11,1%, tăng tới 3,9% so với năm ngoái. Lượng đồng hồ thông minh bán ra của hãng cung tăng 127% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được là nhờ sức hút của Galaxy Watch và Galaxy Watch Active. Theo Counterpoint, hai model của Samsung là lựa chọn thay thế tuyệt vời cho Apple Watch với những ai dùng điện thoại Android.
Có thể nói, dù kém xa Apple, công ty Hàn Quốc cũng phần nào cho thấy lợi thế riêng biệt của mình, đó là khả năng rút ngắn khoảng cách dựa trên khả năng sản xuất và làm thị trường. Với đặc trưng và tư duy của một Chaebol giàu kinh nghiệm, Samsung dù không mạnh bằng Apple về đột phá và phát triển sản phẩm mới nhưng lại chắc chắn hơn trong việc hoàn thiện và lấp đầy lỗ hổng về nhu cầu trên thị trường. Thêm vào đó, so với Apple, hãng công nghệ Hàn Quốc được nhận định có nhiều cơ hội phát triển hơn bởi dòng smartwatch được thiết kế tương thích với cả iOS và Android. Chiến lược kinh doanh mới của Samsung được nhận định là đang tập trung vào thị trường smartwatch dành cho nữ giới.
Xếp sau Apple, Samsung lần lượt là Imoo, Fitbit và Amazfit của Xiaomi. Huawei đáng tiếc không có tên trong top 5 dù là nhà nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Dù vậy, công ty Trung Quốc cũng đã có những ghi nhận đáng kể khi chiếm 2,8% tổng lượng smartphone bán ra, trong khi một năm trước đó chỉ là 0,5%.
Counterpoint dự đoán thị trường smartwatch sẽ tiếp tục phát triển mạnh, dự kiến khoảng 48% mỗi năm. Việc các nhà sản xuất chỉ tập trung vào những tính năng phục vụ thể thao, ít chú trọng đến khâu thiết kế là trở ngại nhưng cũng đồng thời là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất khai thác, phát triển sản phẩm.
Theo các chuyên gia đánh giá, nhiều hãng đồng hồ thông minh chưa tạo được một hệ sinh thái liền mạch do nhà sản xuất đồng hồ và điện thoại đang sử dụng hệ điều hành và định hướng sản phẩm khác nhau. Do đó, người dùng đôi khi gặp phải vấn đề hoặc các trải nghiệm không liền mạch giữa smartwatch và smartphone. Đây chính là sân chơi và cơ hội mà chỉ có những nhà sản xuất như Apple, Samsung hay Xiaomi có thể phát huy và tận dụng một cách triệt để nhất.
Bên cạnh đồng hồ thông minh, Airpods cũng đang giúp Apple chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường tai nghe không dây, mang lại doanh thu ấn tượng từ khi ra mắt.
Bất chấp việc không nổi bật về chất lượng âm thanh, AirPods vẫn nổi lên như một "leader" không thể đánh bại trên thị trường. Dẫn đầu trào lưu cùng thời điểm khai tử giắc cắm tai nghe trên iPhone, cùng chiến lược tiếp thị đánh đúng tâm lý của người tiêu dùng, bên cạnh sự quảng cáo của hàng loạt người nổi tiếng, tai nghe không dây Airpods của Apple gần như không có đối thủ. Hầu hết người dùng cho biết họ lựa chọn AirPods vì dễ sử dụng, thoải mái và tính di động cao.
Các tên tuổi đi sau là Elite Active 65t của Jabra và Gear Icon X của Samsung cũng chỉ chiếm thị phần không đáng kể. Phần nhỏ thị trường còn lại được chia sẻ bởi JLab, QCY, Huawei, Bose, Sony và một số công ty khác.
Theo các chuyên gia, thị phần của Apple có thể còn tăng mạnh hơn nữa sau khi phát hành AirPods thế hệ thứ hai. Được trang bị chip H1 mới, AirPods 2 cung cấp thời gian đàm thoại lâu hơn, tốc độ kết nối được cải thiện và hỗ trợ Hey Siri ở chế độ rảnh tay. Công ty phân tích Above Avalon đánh giá AirPods là sản phẩm bán chạy thứ hai của Apple mọi thời đại với khoảng 25 triệu thiết bị đang hoạt động.
Thị trường tai nghe toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ 31% trong vài năm tới. Đây là cơ hội vàng cho các nhà sản xuất smartphone cũng như các tập đoàn công nghệ khổng lồ khác muốn chen chân và cướp lại miếng bánh từ miệng Apple.
Theo Luke Pearce, nhà phân tích tại Futuresource Consulting, người tiêu dùng mua tai nghe như một sản phẩm độc lập thay vì chỉ là một phụ kiện đi kèm với thiết bị như smartphone. "Họ đang tìm kiếm trải nghiệm âm thanh được cải thiện", Pearce nói. "Và họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có được nó. Do đó, giá tai nghe trung bình trên toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng".
Cũng theo chuyên gia này, Bắc Mỹ đang là thị trường lớn nhất cho phụ kiện tai nghe nhưng tới năm 2020, khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ trở thành sân chơi chính cho các nhà sản xuất tranh giành.
Còn với Apple, công ty này vẫn đang trong giai đoạn tận hưởng những thành quả ngọt ngào. Hiện doanh thu từ Apple Watch cùng với AirPods, HomePods và các phụ kiện khác đang ngang bằng với iPad, một kết quả hết sức bất ngờ và đáng lạc quan.
Tất nhiên, để đạt được thành công này không thể nhắc tới khả năng dự đoán thị trường cũng như việc vạch ra một chiếc lược kinh doanh dài hạn của Apple. Từ việc lựa chọn thời điểm ra mắt cùng việc bổ sung những tính năng thiết thực đã giúp Apple chiếm lĩnh mảng phụ kiện một cách chắc chắn và ổn định.
Một nguyên nhân khác, vừa đáng khen vừa đáng chê trách của Apple là mỗi khi ra mắt một thiết bị công nghệ mới, đi kèm theo đó luôn là đủ thứ phụ kiện, cáp sạc, đầu chuyển cổng kết nối... khiến ngay cả fan trung thành nhất đôi lúc cũng phải thở dài.
Dẫu vậy, cơ hội cho các nhà sản xuất khác vẫn còn rất nhiều bởi các phụ kiện của Apple đều có giá bán cao, khó được tiếp nhân tại các thị trường mà người tiêu dùng có thu nhập trung bình thấp. Bên cạnh đó, một số khu vực đặc biệt như Trung Quốc vẫn có tâm lý ưu ái cho các sản phẩm nội địa.