Nếu bạn uống Coca-cola hoặc ăn bánh quy trên một chuyến bay ở độ cao 9 km, hương vị của chúng có thể hơi là lạ một chút. Bữa ăn “trên trời” dĩ nhiên cho bạn cảm giác khác lạ với dưới mặt đất, nhưng nguyên nhân thực sự tới từ đâu?
Các nhà khoa học cho biết tiếng ồn từ động cơ phản lực chính là thủ phạm. Nhưng nó không hẳn chỉ khiến đồ ăn của bạn có vị tệ đi. Tiếng ồn cũng có thể làm một số loại thực phẩm ngon hơn trên máy bay. Một số hãng hàng không biết được điều này, họ đã tinh chỉnh lại thực đơn trên máy bay để kiếm được cả tiền lẫn sự hài lòng của thực khách.
Charles Spence là một nhà tâm lý học, đồng thời là giáo sư tại Đại học Oxford. Năm 2014, ông đã thực hiện một nghiên cứu, trong đó phát hiện tiếng ồn của máy bay làm ảnh hưởng đến hương vị đồ ăn, chẳng hạn như vị ngọt.
Nhưng kỳ quặc thay, Spence phát hiện ra rằng umami (vị cơ bản thứ 5 bên cạnh ngọt, chua, đắng và mặn) dường như không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Hương vị umami thậm chí có thể được tăng cường bởi tiếng ồn lớn.
Đó là lý do tại sao nước ép cà chua chiếm 27% trong số tất cả các đơn đặt hàng đồ uống trên máy bay. Mọi người thích đồ có vị umami trên các chuyến bay hơn bao giờ hết, dù cho họ không bao giờ uống chúng dưới mặt đất.
“Nên chăng điều này cần được chứng minh, rằng nhận thức của chúng ta về vị umami không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn”, các nhà khoa học viết trong nghiên cứu. “Do vậy, ai đó [các hãng hàng không] có thể muốn giới thiệu một thực đơn nhiều vị umami – với các thực phẩm như phô mai, cà chua và nấm – cho những thực khách khó tính nhất trên đó”.
Ý tưởng này đã được thực hiện. Theo tờ The New York Times, British Airways đã cải tiến thực đơn của mình vài năm trước để đưa vào đó các loại thực phẩm giàu vị umami hơn. Các hãng hàng không có trụ sở tại Scandinavia và Hong Kong cũng đã giới thiệu những loại bia đặc biệt có hương vị được tinh chỉnh để phù hợp với độ cao của những chuyến bay.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều hãng hàng không vẫn không ngừng sáng tạo, trong việc hòa trộn hương vị, âm thanh, tiếng ồn và âm nhạc. Xu hướng này liên quan đến thuật ngữ mà giáo sư Spence gọi là "sonic seasoning", vị thanh có nghĩa là tìm hiểu xem âm thanh có thể thay đổi nhận thức vị giác của chúng ta như thế nào, chẳng hạn như với vị chua và vị ngọt.
Ví dụ, vào năm 2014, British Airways đã giới thiệu một tính năng trên các chuyến bay có tên là "Sound Bites". Nó cho phép hành khách có thể chọn nghe một danh sách nhạc được thiết kế đặc biệt, có khả năng tăng cường hương vị cho thức ăn của họ. Chẳng hạn, những hành khách ăn mì ống có thể thưởng thức kèm các vở opera của Verdi.
Finnair, hãng hàng không Phần Lan cũng mới tiết lộ một video quảng cáo. Trong đó, đầu bếp Steven Liu của họ đã đi đến Bắc Âu, ghi lại âm thanh từ các dòng thác, tiếng suối chảy, những cánh hoa xào xạc trong gió, tiếng cành cây gãy cho đến côn trùng và tiếng đốt lửa.
Tất cả những âm thanh này được dùng để “nêm” vào những đĩa thức ăn mà Liu làm cho hãng hàng không, khi Finnair cho phép hành khách nghe lại các bản thu âm của Liu, trong khi họ thưởng thức bữa ăn của mình.
Chiến thuật marketing này gợi nhớ lại một thí nghiệm khác, trong đó giáo sư Spence và các nhà nghiên cứu phát hiện ra những âm thanh cao, như tiếng chuông, có khả năng tăng cường vị ngọt. Ngược lại, âm thanh trầm hơn sẽ tăng cường bị đắng.
Ngoài ra, không chỉ các âm thanh môi trường mới có ảnh hưởng đến vị của thực phẩm. Âm thanh mà chính thực phẩm tạo ra – chẳng hạn như tiếng gãy của mảnh sô cô la hay húp sụp khi ăn đồ nước - cũng ảnh hưởng đến cách mà chúng ta nếm chúng.
Ý tưởng rằng âm thanh có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm ăn uống không phải là mới.
Vào những năm 1960, một nhà khoa học người Đan Mạch, Kristian Holt-Hansen, đã từng thử nghiệm những giai điệu cao có ảnh hưởng như thế nào tới vị của bia. Trong những năm 1930, nhà thơ người Ý Filippo Tommasso Marinetti từng tuyên bố thơ ca và âm nhạc có thể làm nổi bật hương vị của những món ăn nhất định.
Tuy nhiên, cho đến bây giờ, ý tưởng của Marinetti vẫn chưa được chứng minh bởi khoa học. Chúng ta biết rằng tiếng động cơ phản lực máy bay có thể tăng cường vị umami, nhưng liệu âm nhạc và thơ ca có thể làm điều tương tự hay không thì còn phải chờ đợi các nghiên cứu khác nữa trong tương lai.
Theo GenK