Một câu hỏi tưởng chừng như không liên quan rất có thể sẽ ảnh hưởng tới cả tương lai và chiến lược của Apple trong vài năm tới.
Khi bạn mua một ứng dụng từ kho ứng dụng App Store trên iOS, ai đang là người bán ứng dụng cho bạn, Apple hay nhà phát triển ứng dụng?
Câu hỏi quan trọng với Apple
Câu hỏi tưởng chừng không liên quan này thực tế đóng vai trò cực kỳ quan trọng với tương lai của Apple, cụ thể hơn là tương lai của mảng dịch vụ. Nó xuất phát từ vụ kiện có tên gọi Pepper vs Apple Inc, trong đó 4 người dùng iPhone cáo buộc Apple đã tận dụng vị thế của họ để độc quyền phân phối ứng dụng thông qua App Store.
Trên hệ điều hành iOS, cách cài đặt ứng dụng duy nhất được Apple chấp nhận là thông qua App Store. Trước đây, người dùng cũng có thể cài đặt ứng dụng thông qua hình thức mở khóa (jailbreak), nhưng trên những phiên bản iOS mới việc jailbreak ngày càng phức tạp và lâu hơn. Do đó, cài đặt ứng dụng qua App Store vẫn là cách mà đa số người dùng áp dụng.
App Store là phương thức duy nhất được Apple chấp nhận để cài đặt ứng dụng trên iOS. Ảnh: Yahoo. |
Đơn kiện trong vụ Pepper vs Apple Inc. được gửi lên Tòa án quận Bắc California từ năm 2011, và đến năm 2014 Apple đã thắng kiện. Tuy nhiên tới năm 2017, Tòa án phúc thẩm đã lật lại vụ kiện, cho phép bên nguyên đơn tiếp tục kiện Apple. Hiện vụ kiện đã được chuyển tới Tòa án tối cao Hoa Kỳ.
Tuy nhiên trước khi Apple bị xét xử có vi phạm luật chống độc quyền không, thì Tòa án tối cao phải xác định liệu bên nguyên đơn có thể kiện Apple hay không. Đó chính là lý do câu hỏi phía trên trở nên quan trọng.
Vào năm 1977, một vụ kiện giữa bang Illinois và công ty gạch Illinois Brick đã tạo ra một án lệ. Bang Illinois kiện công ty gạch vì đã bán gạch với giá cao, qua đó khiến cho họ phải trả nhiều tiền hơn cho các công trình xây dựng công.
Tuy nhiên Tòa án tối cao khi đó phán quyết bang Illinois không phải khách hàng trực tiếp của công ty gạch Illinois Brick. Nhà thầu vật liệu mới là khách mua hàng trực tiếp của công ty gạch, còn bang Illinois chỉ ký hợp đồng với nhà thầu xây dựng, người lấy lại vật liệu xây dựng từ nhà thầu vật liệu. Từ vụ kiện này, một án lệ được hình thành: nếu như bên nguyên đơn không phải là khách hàng trực tiếp thì không thể kiện bị đơn.
Đây chính là lý do vụ kiện này trước đó bị bãi đơn. Từ năm 2011, Apple áp dụng chính sách lấy 30% doanh thu từ mọi ứng dụng, dịch vụ bán trên App Store. Bên nguyên đơn cho rằng vì chính sách này mà các nhà phát triển ứng dụng đã tăng giá ứng dụng, khiến cho người dùng bị thiệt hại tới hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, các tòa án cấp quận cho rằng người dùng iPhone không phải khách hàng trực tiếp của Apple, và việc Apple lấy phần 30% chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nhà phát triển chứ không phải người dùng.
Đây cũng là lập luận của Apple khi vụ kiện được chuyển lên Tòa án tối cao. Họ cho rằng mình “không hề mua đi, bán lại các ứng dụng”.
“Thỏa thuận giữa Apple và các nhà phát triển đã nêu rõ: những nhà phát triển không hề cho chúng tôi quyền lợi từ việc sở hữu ứng dụng của họ. Do vậy, Apple không hoạt động như một cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Trong thỏa thuận này cũng có nêu rõ Apple chỉ là một đơn vị cung cấp App Store để Nhà cung cấp ứng dụng hoạt động, và không hề là thành phần trong hợp đồng mua bán và thỏa thuận giữa người dùng và Nhà cung cấp ứng dụng. Do đó, bên bị đơn cho rằng việc mua bán trực tiếp là giữa nhà phát triển và khách hàng, Apple chỉ là đơn vị cung cấp và hỗ trợ”.
Theo cách nhìn của Apple, họ chỉ là đơn vị tạo ra nền tảng cho các nhà phát triển bán ứng dụng, chứ không trực tiếp bán ứng dụng cho người dùng. Ảnh: AFP. |
Như vậy, lập luận của Apple là giá bán của từng ứng dụng hoàn toàn do nhà phát triển đặt ra, mặc dù có tính toán tới khoản phí 30% cho Apple, và việc nhà phát triển đặt giá bán cao hơn sẽ làm ảnh hưởng tới người dùng, nhưng Apple không trực tiếp làm điều đó.
Apple sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu thua kiện?
Ở phiên điều trần vừa diễn ra, nhiều thẩm phán có chiều hướng không ủng hộ lập luận của Apple. Theo AP, Chánh án John Roberts là người duy nhất trong 9 thẩm phán đồng ý với luật sư của Apple.
Thẩm phán Elena Kagan cho rằng người dùng có mối liên hệ trực tiếp với Apple:
“Khi tôi cầm vào iPhone, tôi vào mục App Store của Apple. Tôi trả tiền trực tiếp cho Apple bằng thẻ tín dụng mà tôi đã cung cấp thông tin cho Apple. Từ góc nhìn của tôi, tôi đã thực hiện giao dịch một bước với Apple”.
Thẩm phán Brett Kavanaugh thì cho rằng nếu như người dùng đang phải trả nhiều tiền hơn để mua ứng dụng, họ có quyền kiện Apple. Theo ông Kavanaugh, luật chống độc quyền của liên bang cho phép “bất kỳ người nào có quyền lợi bị ảnh hưởng” được phép kiện.
Trong khi đó, thẩm phán Sonia Sotomayor cho rằng vụ việc của công ty Illinois Brick không thể coi là tiền lệ với Apple, do mô hình vận hành là hoàn toàn khác nhau. Bà Sotomayor cho rằng Apple đã lấy 30% phí từ chính người dùng chứ không phải từ nhà phát triển. Như vậy, có khả năng vụ kiện sẽ tiếp tục được tiến hành.
"Apple lấy 30% phí từ chính người dùng chứ không phải từ nhà phát triển"
Thẩm phán Sonia Sotomayor, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ
Nếu như Apple thua kiện, họ sẽ buộc phải trả khoản tiền vài trăm triệu USD mà bên nguyên đơn yêu cầu, hoặc phải thay đổi mô hình hoạt động của App Store.
Việc trả tiền có vẻ đơn giản hơn rất nhiều so với phương án thứ hai, bởi nó sẽ làm ảnh hưởng tới “miếng bánh” rất quan trọng của Apple lúc này: mảng dịch vụ.
Dịch vụ: miếng bánh quan trọng, nhưng có bền vững?
Hơn ai hết, Apple biết rõ nguồn thu từ mảng dịch vụ quan trọng như thế nào. Hiện nay, mảng dịch vụ đang đóng góp doanh thu lớn thứ 2 cho công ty, chỉ sau doanh thu từ iPhone.
Trong 3 năm qua, doanh thu mảng dịch vụ đã tăng đều và hiện là mảng có doanh thu lớn thứ hai, chỉ sau iPhone. |
Đáng nói là doanh thu từ dịch vụ đã tăng liên tiếp trong 10 quý gần đây, trong khi đó doanh thu từ iPhone đang có dấu hiệu không tăng. Lần cuối cùng số lượng iPhone được bán ra tăng vọt là quý I/2015, sau khi Apple ra mắt iPhone 6 và 6 Plus. Doanh thu iPhone có tăng trong năm 2018, nhưng sự tăng trưởng tới từ mức giá cao hơn của iPhone X, khiến cho giá bán iPhone trung bình (ASP) tăng lên.
Năm nay, Apple một lần nữa đẩy mặt bằng giá lên cao hơn với chiếc XS Max. Tuy nhiên theo xu hướng chung của thị trường, số lượng iPhone bán ra khó có thể tăng đột biến, thậm chí có thể giảm trong vài năm tới. Apple không thể chỉ dựa vào việc tăng giá iPhone để đảm bảo doanh thu.
Số lượng iPhone bán ra gần như không còn tăng mạnh từ năm 2015. Apple không thể mãi phụ thuộc vào việc tăng giá bán iPhone trong tương lai mà phải tìm một nguồn thu khác. Ảnh: Statista. |
Apple đã nhìn thấy thực trạng này từ nhiều năm trước. Tháng 1/2016, khi lượng iPhone bán ra không còn tăng mạnh, Giám đốc tài chính Luca Maestri của Apple lần đầu tiên nhấn mạnh tới mảng dịch vụ của hãng:
“Mỗi quý, chúng tôi đều đăng tải kết quả kinh doanh của mảng dịch vụ, bao gồm doanh thu từ iTunes, App Store, AppleCare, iCloud, Apple Pay, tiền bản quyền và một số sản phẩm khác. Hôm nay, chúng tôi muốn nhấn mạnh sức tăng trưởng của mảng này. Phần lớn dịch vụ mà chúng tôi bán cho khách hàng, ví dụ như ứng dụng, phim ảnh có liên quan chặt chẽ tới lượng thiết bị đã được kích hoạt, chứ không phải là lượng thiết bị bán ra theo từng quý”.
Chỉ riêng năm vừa qua, doanh thu của các nhà phát triển từ App Store đã lên tới 30 tỷ USD, theo công bố của CEO Tim Cook. Mỗi tuần có khoảng 500 triệu lượt người truy cập vào App Store. Đây đều là những con số ấn tượng, được CEO Tim Cook nói tới đầu tiên trong mỗi sự kiện WWDC dành cho nhà phát triển.
CEO Tim Cook luôn muốn khoe ra những con số, như cả trăm tỷ USD đã trả cho nhà phát triển ứng dụng trên App Store. Ảnh: AppleInsider. |
Với tầm quan trọng của App Store, có thể hiểu vì sao Apple không muốn “miếng bánh” của mình bị động chạm. Chỉ cần tòa án yêu cầu công ty này giảm tỷ lệ phí vài phần trăm, doanh thu của Apple sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Tuy nhiên, không phải người dùng, có thể chính những nhà cung cấp dịch vụ sẽ khiến Apple phải thay đổi. Mọi dịch vụ, bao gồm cả những gói thuê bao, khi mua qua App Store đều bị mất 30% phí. Tới năm 2016, Apple mới giảm mức phí xuống 15% cho năm thứ hai thuê bao.
Do mức phí cho Apple, nhiều dịch vụ trên iOS có mức giá cao hơn, như dịch vụ nghe nhạc Pandora Premium có giá 12,99 USD/tháng trên iOS nhưng chỉ 9,99 USD/tháng trên Android. Spotify thậm chí không hỗ trợ nâng cấp lên phiên bản trả tiền trực tiếp từ ứng dụng iOS, mà người dùng được dẫn vào một trang web thanh toán.
Vào tháng 8/2018, Netflix cũng thử nghiệm ngừng đăng ký qua ứng dụng iOS, thay vào đó người dùng sẽ mua gói dịch vụ thông qua trang web. Nói cách khác, mức phí của Apple thực sự ảnh hưởng tới những nhà cung cấp dịch vụ, và gián tiếp ảnh hưởng tới khách hàng.
Nhận định về cách kinh doanh “cắt phí” nhà phát triển và nhà cung cấp của Apple, nhà phân tích Ben Thompson của Stratechery cho rằng sẽ là một điều đáng lo ngại nếu Apple phụ thuộc vào hình thức này để tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai.
Làm thế nào họ có thể dẫn đầu trong tương lai, khi mà những vị lãnh đạo quan tâm hơn đến việc kiếm lợi nhuận từ sự sáng tạo, đột phá của những công ty khác?
Nhà phân tích Ben Thompson, Stratechery.
“Apple từ trước đến nay luôn thành công khi định hướng mình là công ty hàng đầu. Làm thế nào họ có thể dẫn đầu trong tương lai, khi mà những vị lãnh đạo quan tâm hơn đến việc kiếm lợi nhuận từ sự sáng tạo, đột phá của những công ty khác?
Lợi nhuận cao của Apple thực chất là kết quả từ sản phẩm rất tốt, chứ không phải là mục tiêu ban đầu.
Điều này không còn đúng nữa khi chúng ta nhìn vào cách kinh doanh dịch vụ và chính sách của App Store, bằng cách lấy một sản phẩm thực sự khác biệt, sáng tạo (smartphone) và thu lời từ nó (nội dung số).
Đây không phải, hay chưa phải, là hình thức kinh doanh vi phạm pháp luật, nhưng sẽ có người bị ảnh hưởng. Nạn nhân không phải người tiêu dùng, cũng không phải những nhà phát triển, mà là văn hóa phát triển sản phẩm đã giúp Apple vươn lên vị trí số 1”.