Sách giáo khoa tốt phải là cuốn sách giúp cho cả giáo viên và học sinh cảm thấy tự do, thoải mái trong quá trình truy tìm chân lý.

Xem lại Phần 1: Đã cải tiến thì đừng ‘lửng lơ’

“Tín ngưỡng sách giáo khoa” 

Trong cải cách giáo dục, cho dù Sách giáo khoa (SGK) có tốt đến mấy đi chăng nữa mà nó không được sử dụng hiệu quả ở trường phổ thông thì kết quả cải cách cũng sẽ không mấy khả quan. Trên thực tế, do cơ chế một chương trình - một SGK tồn tại quá lâu cùng với tư duy coi trọng truyền đạt tri thức và thi cử, “tín ngưỡng SGK” ở Việt Nam rất thịnh hành. Xu hướng coi những gì viết trong SGK hoàn toàn đúng và là chân lý tuyệt đối rất mạnh.  

Kết quả là cả giáo viên và học sinh có xu hướng coi nội dung của SGK trùng khớp hoàn toàn với nội dung giáo dục. Vì vậy, việc giảng dạy của giáo viên và việc học của học sinh trên thực tế biến thành việc truyền đạt và lĩnh hội nội dung SGK.  

Thế nên, trong các kì thi giáo viên giỏi, thật hài hước là có rất nhiều giáo viên được đánh giá là “giỏi” thực chất chỉ là người diễn giải và truyền đạt nội dung SGK logic hơn, dễ hiểu hơn hay biết cách minh họa nội dung đó sinh động hơn các đồng nghiệp khác.  

Đó là lối dạy học kiểu minh họa - thứ làm thui chột tư duy phản biện và sáng tạo của học sinh. Các sinh viên đi thực tập cũng thường bị các giáo viên hướng dẫn và người chấm yêu cầu phải “bám sát SGK”. SGK kết cục đã trở thành cái “phao” cho những người bơ vơ về lý luận giáo dục.  

Mặt khác ở Việt Nam do sự lạc hậu về lý luận giáo dục, các giáo viên có xu hướng giảng dạy truyền đạt trực tiếp các nội dung kiến thức hay chân lý vào học sinh theo kiểu “rót nước”.  

Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, người giáo viên để làm cho học sinh lĩnh hội một chân lý, một nội dung sẽ phải dùng “giáo tài” (hình ảnh, số liệu thống kê, kết quả điều tra thự tế, tư liệu…) trong tư cách “chìa khóa” là một mảnh của nội dung giáo dục, để chuyển hóa nội dung đó thành nhận thức của học sinh thông qua thí nghiệm, trải nghiệm và các hoạt động trí tuệ tương tác khác.  

Việc nghiên cứu tìm ra các “giáo tài” đó và sử dụng chúng trong thực tế tạo ra các “thực tiễn giáo dục” của giáo viên ở trường học.  

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh niên

Mở ra hành trình truy tìm chân lý 

Trong lý luận giáo dục hiện đại, SGK cho dù là thứ được biên soạn và xét duyệt căn cứ vào chương trình đi nữa, cũng chỉ là một tài liệu tham khảo chủ yếu trong việc hướng dẫn học sinh học tập. Nội dung của SGK không thể là toàn bộ nội dung giáo dục.  

Người quyết định nội dung giáo dục cuối cùng phải là người giáo viên, người am hiểu cả chương trình, SGK lẫn tình hình thực tế của trường học, địa phương và đối tượng học sinh. Nội dung giáo dục phải được giáo viên tự tay xây dựng thông qua các điều tra, nghiên cứu cả tài liệu và thực tiễn của bản thân.  

Trong các môn xã hội, những môn có mối quan hệ chặt chẽ với đời sống và trải nghiệm của học sinh cũng như xã hội ở địa phương, điều này càng có ý nghĩa sống còn. Nội dung giáo dục đó phải được “chuyển hóa” thành nhận thức của học sinh thông qua sự gia công sáng tạo của giáo viên. Ở Nhật Bản từ năm 1947 trong cuộc cải cách giáo dục thời hậu chiến, lý luận này đã được Bộ giáo dục Nhật Bản nhấn mạnh trong các tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên và phổ biến rộng rãi, duy trì đến tận ngày nay.  

Khi tuân thủ lý luận này, chuyện SGK dày hay mỏng sẽ không còn quan trọng nữa.  

Chẳng hạn trong môn lịch sử, SGK theo quan điểm hiện đại sẽ không phải là một hệ thống các bài viết theo lối trần thuật “khách quan” và “vô nhân xưng” của các tác giả theo trật tự thời gian hay chủ đề nữa. Nó sẽ là một tài liệu hướng dẫn học tập ở đó có hướng dẫn về phương pháp học tập, có tập hợp các tư liệu, các câu hỏi gợi mở giúp học sinh khám phá lịch sử, giải mã được quá khứ và tìm ra ý nghĩa của nó trong việc lý giải đời sống xã hội hiện tại bằng các phương pháp của nhà sử học. 

Quan trọng nhất ở đó phải có các tư liệu gốc đáng tin cậy và các “khoảng trống lịch sử”, các “vấn đề” được cài cắm, bố trí theo ý đồ sư phạm để học sinh được làm “nhà sử học tí hon” khám phá và giải mã lịch sử.  

Ý nghĩa thực sự của cơ chế “một chương trình - nhiều SGK” suy cho đến cùng là nằm ở chỗ nó giúp “tương đối hóa” chân lý trong SGK và khuyến khích, đảm bảo sự tự chủ về nội dung giáo dục của giáo viên.  

Tóm lại, trong một cuộc cải cách giáo dục có hệ thống và toàn diện thì việc biên soạn mới chương trình và SGK là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, SGK chỉ là thứ đi sau trong logic của một cuộc cải cách giáo dục. Thứ cần làm trước đó là phải là làm rõ được hình ảnh xã hội tương lai và hình ảnh con người mơ ước có khả năng kiến tạo và bảo vệ xã hội đó hay nói khác đi và ngắn gọn hơn là xây dựng mà minh định triết lý giáo dục.  

Mặt khác, trong khi cải cách SGK cũng không được quên việc tạo ra một cơ chế hợp lý để cho các cuốn SGK liên tục được cải tiến bằng sự tham gia của những người có năng lực. SGK tốt phải là cuốn sách giúp cho cả giáo viên và học sinh cảm thấy tự do, thoải mái trong quá trình truy tìm chân lý, một hành trình vừa gian khổ vừa hấp dẫn khôn cùng.  

Nguyễn Quốc Vương