- Trường ở Mỹ không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là nơi tạo điều kiện giúp trẻ biết cách tự học, biết cách cư xử, và mày mò “tìm kế sinh nhai” ngay từ các lớp “nhí”.
Không tạo áp lực lên “mặt đê”
Ở bậc Tiểu học, một lớp do một giáo viên lên lớp tất cả các môn, trừ mỹ thuật (visual arts), nhạc, và thể dục ("P.E." hoặc "gym"), là các môn chỉ có một hai tiết một tuần. Các môn học thường gồm số học (một số trường có thể dạy đại số sơ cấp), tập đọc - tập viết, chú trọng viết chính tả và tăng vốn từ. Các môn Khoa học tự nhiên và xã hội nói chung được dạy ít giờ, với khối lượng kiến thức chưa phong phú. Giáo án ở một số trường còn tụt hậu (underdeveloped) về xã hội học (social studies), và về khoa học nói chung, điều vẫn được lý giải là do giáo viên tiểu học được đào tạo để dạy tất cả các môn (generalists).
Giữ quyền chủ động! |
Các môn Khoa học xã hội thường có xu hướng địa phương chí, cung cấp kiến thức sử - địa về địa bàn sở tại. Trong giảng dạy chú trọng các chuyên đề về văn học - nghệ thuật, các cuộc tham quan, và các dạng giảng dạy thông qua giải trí. Kể từ cuộc cải cách giáo dục đầu thế kỷ XX, người Mỹ cho rằng học sinh cần tích luỹ kiến thức qua lao động và ứng xử thường ngày, và nhờ vào kiểm nghiệm hậu quả của hành vi của mình.
Ở Trung học bậc trên (senior high school) học sinh được tự do hơn trong lựa chọn các môn học, và chỉ cần hoàn thành những định mức tối thiểu mà Ban đặc trách trường học đòi hỏi, để nhận được bằng tốt nghiệp. Các đòi hỏi bắt buộc (course rigor) này thường là:
- Ba năm học (lên lớp đều, sát hạch đạt yêu cầu) cho các môn tự nhiên, cụ thể là một năm cho môn hoá, một năm cho môn sinh vật, một năm cho môn vật lý) - Ít nhất hai năm học cho môn toán, bao gồm đại số năm thứ nhất, hình học; đại số nâng cao (algebra II), và/hoặc lượng giác … - Tiếng Anh (ít nhất bốn năm học môn, bao gồm cả Văn, cổ điển học - humanities) - Từ hai đến bốn năm học cho bộ môn khoa học xã hội, gồm Lịch sử và Cơ cấu nhà nước Hoa Kỳ (government course), kinh tế (economics courses). - 1-2 năm học môn thể dục.
|
Để thi vào nhiều trường hệ đại học, thí sinh phái hoàn thành một khối lượng lên lớp đầy đủ hơn, chẳng hạn phải có từ 2-4 năm học tiếng nước ngoài.
Một số bang cho phép học sinh rời trường phổ thông ở độ tuổi 14 -17, cho dù chưa tốt nghiệp, nếu được phép cha mẹ; một số bang khác khuyên học sinh chỉ nên rời trường khi đã vị thành niên. Học sinh thường lên lớp tới 6 tiếng một ngày, tức là 175 – 185 giờ một năm, rồi nghỉ hè khoàng hai tháng rưỡi, từ tháng Sáu đến tháng Tám, trùng với truyền thống gặt hái vụ hè trong lịch sử Hoa Kỳ.
Phương pháp luận
Truyền đạt kiến thức từ thầy đến học sinh nhí là được coi là tiếp tục quá trình truyền đạt kiến thức do cha mẹ bé thực hiện, trước khi bé tới trường. Theo Lý luận truyền đạt kiến thức (Instructional theory), giai đoạn này nhằm trả lời các câu hỏi: cái gì, ra sao (What? How?)…
Đầu tiên, khi lượng kiến thức không nhiều, bé học như tham gia một trò chơi. Nhưng dần dà, khối lượng kiến thức ngày một chất đống lên, các môn học cũng “xoè” ra như những nan quạt. Trẻ bắt đầu cảm thấy môn này hay, môn kia “chán”, cho dù đây là hàm của nhiều biến số: tư chất, sở thích của em, “tài” của thày, sách giáo khoa… Trong mọi trường hợp, bắt đầu hiện tượng “nghẽn” luồng thông tin, thông tin mới trở nên khó tiếp nhận, khó xử lý, khó biến thành kiến thức của mình. Bắt đầu thập thò những “phao” (trong luồng): các bài tập mẫu, các đáp án đề thi… ở những nơi có thể.
Cơ sở làm giảm tải học vấn, theo Lý thuyết dạy học (Theory of learning) của
Mỹ, là ngay từ khi bé chuẩn bị đến trường, cũng như ở Tiểu học, nên quá độ sang
dạy bé biết cách tự học (Constructionism) - tạo dựng cho bé kỹ năng truy cập
thông tin (đơn vị kiến thức) nào cần thiết để giải bài tập, biết chọn hình thức
cư xử đúng (behaviorism: learning as response acquisition - kỹ năng nắm bắt cách
cư xử phù hợp), biết cách xác định các hành vi tiếp nối trong một tình huống
biến chuyển...
Vai trò của người thày trong áp dụng Constructionism là chủ đạo. Giáo viên phải
khám phá được sự thích thú của học trò đối với môn này hay môn khác, để “nuôi
cấy” được đòn bẩy trong từng em không phải với tất cả các môn, mà trong quá
trình “thâm canh” với từng môn. Từ đó, trẻ bắt đầu tự nguyện đi sâu vào môn mình
thích, đầu tiên trong khuôn khổ bài vở, sau đó cả ở những giao diện ngoài trường
lớp, sách vở.
Sách giáo khoa của các nước phương tây không hề mỏng hơn giáo khoa của Việt Nam, nếu không nói là dày hơn. Nhưng nó được làm theo cách để các em “yêu môn Lý” chẳng hạn, có thể nhận được nhiều hơn, còn các em trung bình thì thu hoạch được những kiến thức tối thiểu…
Tham chiếu
Hôm nay, có nhiều lý giải cho sự quá tải kiến thức trong trường Việt. Lớp nào cũng hơn nửa trăm em, trình độ hơi bị không đồng đều, yêu cầu của cách mạng KH- KT, lương giáo viên thấp, nên học thêm là giải pháp nhất cử lưỡng tiện.
Nhưng thời bao cấp trường lớp cũng phải chứa khoảng 50 em/ lớp như hôm nay. Giáo viên, cũng như hôm nay, phải chịu tải lớn khi cố truyền đạt kiến thức cho toàn lớp. Dù không biết lý thuyết dạy học (Theory of learning), giáo viên định hướng sao cho học sinh trung bình nắm được vấn đề, và luôn tìm cách khơi dậy tình yêu môn học đối với các em khá trở lên. Ý thức tự giác học tập thời trước cũng cao hơn, cho dù nhiều cha mẹ vẫn "nay thét mai gầm”.
Thời ấy quả đã có một thứ “phao” chống quá tải cho giáo viên, là các em học khá hơn được phân công kèm cặp các học trò kém hơn cùng tổ học tập với mình. Nhưng thầy cô phải nhắc nhở các tổ trưởng là đừng vì thành tích của tổ, mà cho bạn ngồi bên cạnh quay cóp bài mình khi KT, thi cử…
Nôm na, quá trình dạy và học, ở đâu cũng vậy, nhằm tạo cho các nhà tuyển dụng lao động khả năng được “dụng nhân như dụng mộc”. Chứ không cố làm “tốt nước sơn” thôi, bằng cách lạm phát những chứng chỉ tốt nghiệp, qua những kỳ thi “giả vờ”.
- Lê Đỗ Huy