Năm qua, với những nỗ lực trong việc phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh Nghệ An, ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là một trong 16 lãnh đạo vinh dự được trao tặng giải thưởng Lãnh đạo CNTT ASEAN năm 2012. Phóng viên đã gặp gỡ, trao đổi với ông nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ.

- PV: Cảm nhận của ông ra sao khi là một trong 16 gương mặt lãnh đạo tiêu biểu được trao giải thưởng Lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO ASEAN Awards) năm 2012?


Ông Hồ Đức Phớc
- Ông Hồ Đức Phớc: Đây là một giải thưởng rất có ý nghĩa với tỉnh Nghệ An và cá nhân tôi, qua đó đánh giá sự phát triển mạnh mẽ CNTT của Nghệ An và những đóng góp của bản thân tôi đối với quá trình phát triển đó. Đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm, đòi hỏi tôi phải dành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh nhà.

- PV: Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thường đem lại những lợi ích quan trọng như: Tiết kiệm chi phí, minh bạch thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước… Vậy thời gian qua, Nghệ An đã thu được những gì từ việc ứng dụng CNTT, thưa ông?


- Ông Hồ Đức Phớc
: Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước 16.500 km2, đường biên giới dài nhất cả nước 419 km. Dân số đứng thứ 4 cả nước với 3,2 triệu dân, có 20 đơn vị hành chính cấp huyện, 480 xã, 83% diện tích đồi núi, tính từ tỉnh lỵ đi huyện xa nhất đã hơn 300 km, cho nên việc ứng dụng CNTT đóng vai trò đặc biệt quan trọng, mang lại những hiệu quả thiết thực. Hệ thống giao ban trực tuyến với 24 điểm cầu, hoạt động thường xuyên đã tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo điều hành. Cụ thể mỗi cuộc họp tiết kiệm tối thiểu 60.000 triệu đồng, mỗi tháng tiết kiệm hàng tỷ đồng ngân sách.

Cổng thông tin điện tử cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh của Nghệ An trên toàn thế giới, cung cấp hàng ngàn dịch vụ công trực tuyến cấp 1, cấp 2 và 3 cho người dân. Minh bạch thông tin, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận văn bản pháp luật từ các cơ chế chính sách của tỉnh, đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội, các dự án đang kêu gọi đầu tư... hỗ trợ tích cực cho cải cách thủ tục hành chính nhà nước. Chưa kể tới, hệ thống quản lý văn bản đã mang lại hiệu quả cao, hiệu lực trong quản lý điều hành của chính quyền các cấp.

- PV: Ông có thể nói rõ hơn về thành tựu mà cá nhân ông đã đóng góp trong quá trình hoạch định chiến lược, thiết kế, cải tiến quy trình nghiệp vụ và triển khai ứng dụng CNTT của tỉnh Nghệ An?

- Ông Hồ Đức Phớc: Với thiên hướng khoa học tự nhiên và lại là người quản lý kinh tế nhiều năm, cho nên tôi rất coi trọng việc ứng dụng CNTT.

Ngay cả khi còn là Phó chủ tịch tỉnh phụ trách CNTT, cũng như bây giờ là Chủ tịch tỉnh, tôi đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT trên phạm vi toàn tỉnh. Trước hết là việc xây dựng và phê duyệt chiến lược, quy hoạch CNTT được chú trọng, thực hiện triển khai các dự án CNTT một cách quyết liệt theo quy hoạch được duyệt, chú trọng ban hành văn bản quản lý chuyên ngành, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho ứng dụng và phát triển CNTT, thu hút đầu tư và đào tạo thu hút nguồn nhân lực về CNTT.

Năm 2012, chúng tôi đã phê duyệt bổ sung Quy hoạch về ứng dụng và phát triển CNTT phù hợp với tình hình mới, đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống giao ban điện tử trực tuyến, thư điện tử công vụ, thư viện điện tử; chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho các ngành đầu mối quan trọng như kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường; triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho tất cả các cơ quan nhà nước trong tỉnh; triển khai xây dựng trung tâm giao dịch một cửa của tỉnh và tại tất cả các huyện, sở ngành; quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo trên tòan tỉnh và các nội dung khác đều được được phổ biến rộng rãi.


- PV: Ông có thể cho biết những chủ trương, chính sách, kế hoạch sẽ triển khai việc ứng dụng và phát triển CNTT của Nghệ An trong thời gian tới?

- Ông Hồ Đức Phớc: Sắp tới chúng tôi tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông băng rộng; tăng cường giao dịch qua mạng giữa các cơ quan nhà nước với tổ chức, công dân; ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành và của tỉnh, từng bước mở rộng ứng dụng đến cấp xã, phường; ứng dụng một cửa liên thông hiện đại; tiếp tục phát triển Cổng thông tin điện tử thành môi trường giao tiếp chính giữa Nhà nước với người dân gắn chặt với chương trình cải cách hành chính nhà nước; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cấp 3 trên Cổng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực CNTT; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp CNTT, tạo việc làm cho con em Nghệ An, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển CNTT Nghệ An luôn đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

- PV: Xin cảm ơn ông!

(Theo THU HẰNG – Thời báo Tài Chính)