Xếp hạng viễn thông công nghệ thông tin của Việt Nam đã từng giữ vị trí 35 thế giới. Tuy nhiên 10 năm gần đây đã bị tụt xuống thứ 108. Để trở lại top 35 thế giới, Nhà nước cần đóng vai trò nhiều hơn vào việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, không giao phó hoàn toàn cho doanh nghiệp.

Ngày 12/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Trong những năm vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông được bố trí vốn đầu tư rất nhỏ bé so với tổng vốn đầu tư của toàn ngành công nghệ, thông tin truyền thông. Mỗi năm, ngành công nghệ, thông tin truyền thông đầu tư 4 - 5 tỷ USD, chủ yếu từ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đầu tư tự phát, khiến hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông ngày càng tụt hậu.

{keywords}
 Hạ tầng công nghệ Việt Nam đang bị tụt hậu

“Năm 2009, xếp hạng viễn thông công nghệ thông tin của Việt Nam lọt top 35 thế giới. Đó là giai đoạn Nhà nước đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, thông tin truyền thông. Những năm gần đây, đầu tư chủ yếu dựa vào khu vực tư nhân. Điều này khiến cho xếp hạng viễn thông của Việt Nam bị tụt xuống thứ 108 chỉ trong vòng hơn 10 năm”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Nhà nước cần đóng vai trò nhiều hơn vào việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, không giao phó hoàn toàn cho doanh nghiệp. Nhà nước chỉ cần bỏ ra 1% vốn mồi, để kích thích nguồn lực từ xã hội đầu tư 99% còn lại. Mục tiêu là đưa xếp hạng Việt Nam từ mức 108 này quay về top 35 như đã từng đạt được.

Theo Bộ trưởng, đất nước ta như một đoàn tàu, đầu tiên phải có cách để kéo đầu tàu đi lên, để đoàn tàu đi nhanh hơn. Để làm được điều đó, Bộ Thông tin và Truyền thông muốn làm cho “bộ não của đoàn tàu” thông minh hơn. Muốn vậy, cần tập trung vào Chính phủ số, cần phải có một tổng công trình sư thiết kế tổng thể với vai trò chủ đạo. Sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ định hướng cụ thể cho các địa phương với những mục tiêu cụ thể.

Phía đuôi đoàn tàu, tức toa tàu cuối cùng cũng cần những cú hích. Bộ Thông tin và Truyền thông muốn tạo một nền tảng (platform) để “cả dân tộc này đứng trên nền tảng công nghệ đó”. Bộ sẽ đứng ra làm phần việc này, trong đó tập trung vào việc xây dựng những công nghệ cốt lõi, chuyển hạ tầng viễn thông sang hạ tầng nền kinh tế. Đó là cách nhanh nhất để dân tộc ta vượt lên.

Trong giai đoạn 2021-2025, một trong những điều Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn là có nguồn vốn đầu tư trung tâm dữ liệu đám mây, thay cho những máy chủ manh mún đặt ở các bộ, ngành địa phương.

Ngoài ra, Bộ cũng muốn xây dựng hệ thống kiểm định, phục vụ kiểm định và nghiên cứu phát triển. Phòng đo này có hai chức năng là đo kiểm định đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng lên kế hoạch xây dựng nền tảng định danh và xác thực số để phục vụ nhu cầu xã hội như thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến

Ngành Thông tin và truyền thông đang thị trường hóa rất mạnh, mạnh đến nỗi Nhà nước quên việc đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này. Nhưng giai đoạn tới, đầu tư của Nhà nước là không thể thiếu trong việc tạo ra “vốn mồi” để kích thích toàn ngành phát triển, chỉ cần 1% vốn đầu tư của Nhà nước có thể kích thích 99% nguồn vốn của xã hội.

Cơ bản ủng hộ những vấn đề Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc có “tổng công trình sư” cầm trịch quản lý đồng bộ, thống nhất lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin truyền thông là điều quan trọng để ngành này phát triển nhanh, hiệu quả.

“Tôi rất ủng hộ những dự án cụ thể được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra như xây dựng trung tâm dữ liệu điện toán đám mây, Hệ thống kiểm định, phục vụ kiểm định và nghiên cứu phát triển, nền tảng định danh và xác thực số…”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là các nội dung rất cụ thể và dễ nhận được sự ủng hộ. Điều quan trọng là Bộ Thông tin và Truyền thông cần đưa ra thứ tự ưu tiên của từng dự án. Dự án nào quan trọng, cấp bách cần ưu tiên làm trước, những dự án nào làm sau. Trên cơ sở thứ tự ưu tiên đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ “liệu cơm gắp mắm” để xác định nguồn vốn cho dự án, không nên thực hiện dàn trải.

Trước đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông về hợp tác chia sẻ dữ liệu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự ủng hộ. Ông cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị có cơ sở dữ liệu mạnh về doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đầu tư công, đầu tư nước ngoài, chưa kể hệ thống dữ liệu riêng của Tổng cục Thống kê. Việc chia sẻ, kết nối dữ liệu vì mục tiêu chung, vì đất nước là điều cần thiết.

H.Duy