Việc đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển là một trong những yếu tố giúp tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chuyển phát nhanh trong việc tối đa hoá trải nghiệm của khách hàng, đồng thời đáp ứng tốt sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử.
Theo báo cáo hàng năm SYNC Southeast Asia được thực hiện bởi Facebook và công ty Bain & Company, Việt Nam được dự đoán sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong những năm gần đây cùng thói quen mua sắm trực tuyến được hình thành trong và sau đại dịch đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, khi giao nhận được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định hình trải nghiệm của khách hàng trên hành trình mua sắm trực tuyến. Cũng theo báo cáo này, số người tiêu dùng kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt 71% dân số Việt Nam vào cuối năm 2021, nâng tổng số người sử dụng thương mại điện tử lên đến 53 triệu người. Với số lượng đơn hàng ngày một gia tăng và mở rộng sang các tỉnh thành khắp cả nước, việc đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển sẽ giúp đảm bảo việc vận chuyển được thông suốt, hạn chế thất thoát và hư hỏng hàng hóa so với việc xử lý thủ công và rút ngắn thời gian giao hàng.
Nhằm nắm bắt kịp thời nhu cầu và bối cảnh của thị trường hiện tại, các đơn vị vận chuyển không ngừng nâng cao năng lực và tối ưu giải pháp hậu cần để có thể mang lại những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế J&T Express cũng không nằm ngoài xu thế trên với việc đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển thứ 37 tại Việt Nam. Đây là trung tâm hiện đại và lớn nhất cả nước với diện tích lên tới 60.000 mét vuông, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào đầu năm 2022. Nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống phân loại thông minh DWS, quy trình xử lý tự động theo quy chuẩn Smart Logistics và hệ thống băng chuyền ma trận tự động, ước tính trung tâm có thể xử lý lên tới hơn 2 triệu kiện hàng lớn nhỏ các loại mỗi ngày với độ chính xác cao và thời gian nhanh chóng.
Một trong những lợi ích của trung tâm trung chuyển là không gian lưu kho rộng lớn và hệ thống quản lý chuyên nghiệp, giúp đảm bảo hàng hóa được phân loại, lưu trữ và quản lý đúng cách. Nhờ vào các công nghệ xử lý hiện đại, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí và thời gian xử lý hàng hóa, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng về sản lượng của bưu kiện trong tương lai. Đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển hiện đại giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt số lượng lẫn chất lượng hàng hóa, đảm bảo việc lưu thông và vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng. Điều đó giúp các doanh nghiệp chuyển phát nhanh có bước chuẩn bị tốt hơn để đón đầu nhu cầu mua sắm tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là vào các mùa cao điểm.
Ông Phan Bình – Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam, chia sẻ: “Dự kiến khi trung tâm thứ 37 đi vào hoạt động vào đầu năm 2022, tổng diện tích trung tâm trung chuyển của J&T Express sẽ đạt đến 168.000 mét vuông. Việc đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển và ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào dây chuyền quản lý, vận hành không chỉ giúp J&T Express nâng cao hiệu quả kiểm soát và đẩy nhanh quá trình vận chuyển hàng hóa mà còn giúp bưu kiện đến tay người tiêu dùng nhanh và chính xác hơn, góp phần nâng cao uy tín và vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.”
Phương Dung