Về thôn Thanh Thịnh, xã Hoằng Châu, hỏi nhà anh Hùng nha khoa (SN 1985) ai cũng biết, bởi ngoài công việc là phòng khám nha khoa, anh còn được biết đến với một biệt danh khác: “ông chủ măng tây”.

Anh Hùng chia sẻ, công việc chính của anh là làm tại một phòng khám nha khoa ở địa phương, thu nhập ổn định. Gia đình anh vốn làm nông nghiệp, khi thấy những ruộng màu nhà mình bỏ hoang, anh không cam tâm, quyết định tìm tòi loại cây phù hợp về trồng.

“Ngày đi làm, tối về tôi lên mạng tìm những loại cây nông nghiệp nào vừa phù hợp với thổ nhưỡng vừa mang lại giá trị kinh tế cao. Tham khảo nhiều loại, tôi thấy măng tây đang được ưu tiên phát triển, giá bán lại cao nên quyết định đầu tư”, anh Hùng kể.

W-a1.jpghhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh Hùng lại ra ruộng măng tây chăm sóc. Ảnh: Lê Dương

Xuất thân từ nhà nông, không học qua trường lớp nông nghiệp nào nên trước khi bắt tay vào trồng măng tây, anh Hùng mất nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ. Đến năm 2017, anh quyết định bỏ ra 300 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới tiêu, phân bón, cải tạo, mua giống,... trồng măng tây trên 10 sào đất.

“Khi bắt tay vào làm tôi cũng rất lo lắng vì bỏ ra số tiền lớn, nếu không thành công coi như mất trắng. Ngày đi làm, tranh thủ thời gian rảnh rỗi tôi lại lên mạng tìm tòi, học hỏi các mô hình trồng măng tây, cách thức chăm bón, thu hoạch... Tất cả phải làm theo quy trình bài bản, nếu không cây măng sẽ chết hoặc không cho năng suất cao”, anh Hùng chia sẻ.

Theo anh Hùng, sau khi xuống giống, chỉ khoảng hơn 3 tháng măng tây đã đạt chiều cao 20-30cm là cho thu hoạch. Kỳ thu hoạch đầu tiên, măng hái tới đâu có người đến mua tới đó khiến anh rất vui. 

Anh Hùng cho hay, măng tây là loại cây ưa đất cát pha, trồng một lần cho liên tục thu hoạch từ 7-10 năm mới phải trồng lại. Chi phí đầu tư ban đầu có thể cao nhưng những năm tiếp theo rất thấp mà mang lại giá trị kinh tế cao.

“10 sào ruộng, mỗi năm cho thu hoạch 4 lứa, sản lượng khoảng 7 tấn/năm, với giá bán như hiện nay 55.000 đồng/kg mỗi ngày tôi cũng thu về tiền triệu”, anh Hùng nói.

W-a3.jpghhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Những ngọn măng tây chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Lê Dương
W-a4.jpghhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh.jpg
Thu hoạch măng tây. Ảnh: Lê Dương

Theo anh Hùng, măng tây là loại cây khó trồng, yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt phải chú trọng vào khâu xử lý đất, bón phân, nhổ cỏ, xáo đất,... sau những lần thu hoạch.

Đặc tính của cây này đòi hỏi độ ẩm phải giữ ở mức 60-70%, độ PH của đất dao động từ 6.0-7.0 độ, đất không bị phèn, không ngập úng, nhiệt độ trung bình 25-35 độ C. Vào mùa nắng, cần phải tưới cho măng trước 17h, tránh ảnh hưởng đến những mầm măng mới nhú. Mùa mưa phải làm rãnh thoát nước, tuyệt đối không để đất bị ngập úng, nếu không cây măng tây sẽ bị thối rễ. 

Để chăm sóc ruộng măng, anh Hùng thuê một lao động thường xuyên. Đến kỳ thu hoạch, anh thuê thêm 3 công nhân thời vụ với tiền công từ 180.000-200.000 đồng/người/ngày.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Châu, thông tin, toàn xã có khoảng 3ha măng tây xanh. Anh Hùng là một trong những hộ trồng măng tây nhiều nhất trong xã.

“Lợi nhuận từ trồng măng tây xanh là rất lớn, thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét mở rộng diện tích, tìm thêm đơn vị liên kết để nhiều hộ gia đình có cơ hội tiếp cận trồng giống măng này”, bà Lan nói.