Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 2021–2025:
Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Mục tiêu tổng quát thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chương trình phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.
Chương trình đặt chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững.
Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%...
Chú trọng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo
Trong 6 dự án thành phần, Dự án 1 nhằm Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 353/QĐ-TTg phê duyệt Danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Cụ thể, trong Danh sách 74 huyện nghèo, Hà Giang có 7 huyện nghèo, Tuyên Quang có 2 huyện, Lạng Sơn có 2 huyện, Cao Bằng có 7 huyện...
Trong 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, tỉnh Bến Tre có 21 xã, tỉnh Thanh Hóa 3 xã, tỉnh Thừa Thiên Huế 7 xã, tỉnh Cà Mau 6 xã…
Công nhận các xã vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn
Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 9/12/2024: Thủ tướng Chính phủ công nhận 08 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Bến Tre, Kiên Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2024 và đưa ra khỏi Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
Tỉnh Thanh Hóa (01 xã): xã Ngư Lộc thuộc huyện Hậu Lộc.
Tỉnh Quảng Trị (03 xã): xã Hải An, xã Hải Khê thuộc huyện Hải Lăng và xã Gio Hải thuộc huyện Gio Linh.
Tỉnh Bến Tre (03 xã): xã Thạnh Hải, xã An Thạnh, xã An Qui thuộc huyện Thạnh Phú.
Tỉnh Kiên Giang (01 xã): xã Thổ Sơn thuộc huyện Hòn Đất.
Quyết định số 576/QĐ-TTg ngày 28/6/2024: Thủ tướng Chính phủ công nhận 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo giai đoạn 2021-2025 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Theo đó, có 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 4 tỉnh đã được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và đưa ra khỏi Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Đó là:
Tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 xã: xã Điền Hương và xã Phong Chương thuộc huyện Phong Điền, xã Phú Diên thuộc huyện Phú Vang.
Tỉnh Long An có 1 xã Phước Vĩnh Đông thuộc huyện Cần Giuộc.
Tỉnh Bến Tre có 4 xã: xã An Thuận, xã Bình Thạnh và xã Mỹ Hưng thuộc huyện Thạnh Phú, xã An Thủy (nay là thị trấn Tiệm Tôm) thuộc huyện Ba Tri.
Tỉnh Sóc Trăng có 1 xã: xã Nhơn Mỹ thuộc huyện Kế Sách.
Ngoài ra, ngày 22/7/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 702/QĐ-TTg công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024.
Điều 4 Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 quy định tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo:
Tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo gồm 02 tiêu chí, cụ thể như sau:
1. Xã có đường ranh giới tiếp giáp bờ biển hoặc xã cồn bãi, cù lao, đầm phá, bán đảo, hải đảo có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 15% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; xã bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn liên tục từ 03 tháng trở lên trong năm và có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 12% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
2. Thiếu (hoặc chưa đạt) từ 3/9 công trình cơ sở hạ tầng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phục vụ dân sinh, cụ thể:
a) Xã chưa đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo quy định của Bộ Y tế.
b) Cơ sở vật chất của trường mầm non hoặc tiểu học hoặc trung học cơ sở chưa đạt mức 2 chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c) Tỷ lệ phòng học kiên cố của nhà trẻ, lớp mẫu giáo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt dưới 75%.
d) Chưa có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
đ) Tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt theo quy định của Bộ Y tế đạt dưới 85%.
e) Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế đạt dưới 70%.
g) Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt dưới 85%.
h) Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt dưới 75%.
i) Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt dưới 40% (riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long dưới 30%).