Lộ thông, tài thông
Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tây Ninh xác định phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là 1 trong 4 chương trình đột phá cần được ưu tiên.
Bởi lẽ, khi hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Hiểu rõ điều này, những năm qua, Tây Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi kết nối liên tỉnh, tạo ra năng lực tăng thêm để góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Trên tinh thần đó, Tây Ninh đang xúc tiến triển khai đầu tư hạ tầng bảo đảm kết nối thuận tiện với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; đấu nối với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia; nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông đến các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để nâng cao năng lực vận tải, giao thông được thông suốt, an toàn; tiếp tục phát triển giao thông nông thôn; xây dựng các cảng, bến thuỷ nội địa theo quy hoạch.
Theo Tổ Công tác đột phá về hạ tầng giao thông - Ban chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, năm 2022, Tây Ninh sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, cùng các địa phương lân cận đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến giao thông chiến lược, trung tâm logistics, cảng… nhằm đồng bộ hạ tầng liên vùng, tạo đà bứt phá phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Năm ngoái, Tổ Công tác đột phá về hạ tầng giao thông đã tham mưu thực hiện các dự án giao thông mang tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Các dự án được tỉnh chú trọng gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận Tây Ninh kết nối với đoạn Chơn Thành (Bình Phước) – Đức Hòa (Long An); Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài; Cao tốc Gò Dầu – Xa Mát; Trung tâm Logistics, cảng ICD, Cảng tổng hợp Tây Ninh và các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đầu tư.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài 53,5km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 23,7km, còn lại đi qua tỉnh Tây Ninh. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đầu tư sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Với dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 1 (đoạn từ huyện Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh), Sở Giao thông Vân tải tỉnh Tây Ninh đã tổ chức lập nghiên cứu tiền khả thi dự án giai đoạn 1 và thực hiện các bước tiếp theo theo quy trình.
Ngoài ra, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông đã hoàn thành 6 gói thầu trong tổng 14 gói thầu xây lắp. Dự kiến năm nay sẽ hoàn thành các gói thầu còn lại.
Tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến 2050
Cùng với các ưu tiên củng cố, phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối vùng, Tây Ninh cũng đang rốt ráo tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, tỉnh sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch mới các khu công nghiệp trên địa bàn; dự báo phân bố dân cư, lao động, phát triển các khu, cụm công nghiệp để đưa vào quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc, trong đó có các đô thị dọc tuyến; thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển đô thị mà không gây áp lực lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vùng “lõi”, đồng thời tạo nguồn thu tái đầu tư phát triển.
Tây Ninh sẽ xây dựng đề án tạo động lực mới phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát; đẩy nhanh tiến độ dự án đường Đất Sét - Bến Củi, dự án đầu tư logistics và cảng tổng hợp Hưng Thuận; triển khai thu hút đầu tư cảng đường thủy, trung tâm logistics trên tuyến sông Sài Gòn.
Ngoài ra, tỉnh cũng thúc đẩy thực hiện đầu tư các cảng sông Vàm Cỏ với quy mô đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong cả giai đoạn ngắn hạn và dài hạn.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh, để tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông kết nối, các địa phương cần có quy hoạch, định hướng phát triển phù hợp, kết hợp nhiều phương thức vận tải hợp lý theo các hành lang vận tải; chú trọng vào đầu tư các tuyến cao tốc, trong đó cần ưu tiên phát triển các cao tốc kết nối với vùng Đông Nam Bộ bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện hệ thống đường vành đai, đặc biệt là vành đai 3 và 4, nhằm tăng năng lực vận tải và kéo giảm mật độ lưu lượng vào trung tâm thành phố, hạn chế ùn tắc giao thông nội đô.
Ban Quản lý Dự án tỉnh Tây Ninh cho biết, để giải quyết những điểm nghẽn về giao thông, việc đầu tư các dự án kết nối giao thông giữa Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ là điều cần thiết và cấp bách. Các dự án này sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường bộ kết nối tỉnh Long An - Tây Ninh - TP.HCM - Bình Dương, Bình Phước và sẽ kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các tuyến đường khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh/thành trong khu vực và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại; đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, kết nối vùng nguyên liệu về nhà máy chế biến, tạo điều kiện thuận lợi giao thương trong vùng; từ đó tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thương mại dịch vụ, du lịch...
Tân Châu