Giao thong thong minh.jpg
Hệ thống giao thông thông minh sẽ giúp người dân không bị mệt mỏi khi “chôn chân” trong điểm tắc nghẽn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

>> FPT "khoe" giải pháp giao thông của mình ăn đứt VOV Giao thông / Quốc lộ 3 mới sẽ có hệ thống giao thông thông minh / Trung tâm điều khiển giao thông thông minh

Giúp dân chủ động tránh tắc nghẽn

Những người tham gia giao thông hiện nay thường trông cậy vào chương trình “VOV giao thông” để nắm bắt độ thông thoáng hoặc tắc nghẽn của các tuyến đường. Tuy nhiên, đa phần không thỏa mãn bởi họ chỉ có thể thụ động tiếp nhận thông tin được phát ra rả trên đài, trong khi thông tin mình cần thì chẳng thấy đâu.

Gần đây, hệ thống biển quang báo điện tử được thí điểm lắp đặt tại Hà Nội và TP.HCM đã mở thêm cơ hội chủ động tránh tắc nghẽn giao thông cho người dân. Tại các giao lộ, người dân chỉ cần nhìn lên biển quang báo để lựa chọn tuyến đường thông thoáng nhất (tuyến đường hiển thị màu xanh nghĩa là đang thông thoáng, màu đỏ là tắc nghẽn, màu vàng là đông xe). Ban đầu, thông tin hiển thị trên bảng lấy từ chương trình “VOV giao thông” nên chưa thể đảm bảo tính thời gian thực về hiện trạng giao thông. Có một giải pháp hữu hiệu hơn là ứng dụng hệ thống camera giám sát lưu lượng phương tiện di chuyển trên đường, hoặc lắp đặt thiết bị GPS trên xe buýt, xe taxi để phản ánh chính xác độ thông thoáng hay tắc nghẽn của tuyến phố ở bất cứ thời điểm nào.

Những ứng dụng CNTT trên được xem là sơ khởi hình thành nên một hệ thống giao thông thông minh ((Intelligent Transportation System - ITS), là “cứu cánh” giúp người dân Hà Nội, TP.HCM thoát khỏi nỗi ám ảnh tắc đường. Nhưng để có một ITS thực sự hiệu quả thì không thể chỉ dừng ở việc ứng dụng các giải pháp CNTT vào từng bộ phận riêng lẻ của hệ thống điều hành giao thông thành phố.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Đỗ Cao Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng một hệ thống bản đồ giao thông thành phố thời gian thực (có thể đặt tại trung tâm điều khiển giao thông thành phố). Khi đó, tổng thể mạng lưới giao thông của thành phố được hiển thị bằng một màn hình giám sát lớn, thông tin tắc nghẽn giao thông tại một thời điểm bất kỳ của từng tuyến phố sẽ được ngay lập tức truyền tới các biển quang báo điện tử, hoặc chia sẻ cho các ứng dụng phần mềm cảnh báo tắc nghẽn giao thông, hay dùng để điều chỉnh thời gian phù hợp cho các đèn tín hiệu giao thông. Trước đây, thời gian cho đèn tín hiệu giao thông được đặt cố định nhưng sau này được vận hành linh hoạt hơn, nếu tuyến đường ít phương tiện lưu thông thì thời gian đèn đỏ tự động rút ngắn…

Đề xuất ứng dụng bản đồ giao thông thành phố theo thời gian thực chính là ưu điểm vượt trội của giải pháp ITS do Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ FPT (FTS) nghiên cứu xây dựng so với nhiều đề án, đề tài về ITS khác trước đó. Chẳng hạn, đề tài Nghiên cứu ITS cho thành phố Hà Nội của một số nhà khoa học ở Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội; hoặc đề án cảnh báo kẹt xe từ xa bằng hệ thống cảm biến và quang báo của nhóm nghiên cứu trường Đại học Quốc tế TP.HCM...

Chờ đầu tư

“Ước tính với một đô thị lớn như Hà Nội, muốn có một bản đồ giao thông thành phố theo thời gian thực thì cần đầu tư khoảng 2 triệu USD. Vấn đề không phải ở chỗ thiếu kinh phí mà là phải thuyết phục lãnh đạo ngành giao thông và thành phố. Để được phê duyệt và triển khai thực tế một ITS tổng thể thì có lẽ phải chờ 1 - 2 năm nữa”, ông Bảo chia sẻ thêm.

Tại cuộc gặp mới đây giữa Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi nghe đề xuất của VINASA về các giải pháp ứng dụng CNTT nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, đặc biệt là giải pháp FTS xây dựng, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã bày tỏ mong muốn ngay trong năm 2013 sẽ triển khai hệ thống bản đồ giao thông số trong cả nước để các lái xe được cập nhật thông tin về hiện trạng giao thông trên tuyến đường họ đang đi như các điểm đen, ùn tắc.

Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lập Ban chỉ đạo nghiên cứu tổng thể đề án ứng dụng CNTT giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên cơ sở khai thác hạ tầng hiện có và áp dụng các biện pháp mới để tránh đầu tư lãng phí. Đến tháng 6/2013 sẽ phải hoàn tất đề án và có tiến độ, phương án thực hiện cụ thể.

Ông Trần Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Giải pháp công nghệ FPT, thuộc Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ FPT (FTS):

Việc triển khai giải pháp ITS còn gặp nhiều khó khăn như hiện này do vẫn chưa có cơ chế mới để khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào giao thông thông minh; đặc biệt là đang thiếu những tiêu thống nhất trên phương diện quốc gia và trong phạm vi thành  phố về việc ứng dụng CNTT, chẳng hạn chuẩn về vé xe buýt điện tử, chuẩn về thu phí tự động,…

Nguồn tin từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết thành phố đang nghiên cứu triển khai dự án Trung tâm điều khiển giao thông với tổng số vốn 187 triệu USD (3.800 tỷ đồng). Dự án sẽ lắp đặt thiết bị giám sát giao thông tại hơn 1.000 giao lộ, xây dựng trung tâm và hệ thống điều khiển đèn tín hiệu, quản lý xe buýt, thu phí cầu đường điện tử,...