Theo danh sách những người giàu nhất thế giới Hurun Global Rich List được công bố hôm 2/3, năm 2020, cùng với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và thêm một loạt doanh nghiệp niêm yết mới, Trung Quốc đã có thêm 259 người được xếp vào nhóm tỷ phú đôla của thế giới.
Dẫn đầu danh sách những gương mặt tỷ phú "mới nổi" của Trung Quốc là ông Chung Thiểm Thiểm, chủ doanh nghiệp nước đóng chai Nongfu Spring của Trung Quốc. Ông Chung Thiểm Thiểm lần đầu tiên gia nhập danh sách Hurun Global Rich List với khối tài sản lên tới 85 tỷ USD.
Lọt top 10 người giàu nhất thế giới
Ông Chung Thiểm Thiểm hiện là người giàu nhất châu Á và thuộc top 10 người giàu nhất thế giới trong danh sách Hurun Global Rich List. Đầu năm nay, bảng xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index cũng đặt doanh nhân Trung Quốc này vào vị trí thứ 6.
Tỷ phú "sói đơn độc" Chung Thiểm Thiểm. Ảnh: AP |
Đây là lần thứ hai một tỷ phú Trung Quốc lọt top 10 người giàu nhất thế giới. Vào năm 2015, tỷ phú ngành địa ốc Vương Kiện Lâm đã được xếp thứ 8. Kể từ khi Bloomberg ra mắt bảng xếp hạng này năm 2012, chưa tỷ phú Trung Quốc nào đạt được thứ bậc cao như ông Chung.
Đáng chú ý, chỉ trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021, giá trị tài sản ròng của ông Chung Thiểm Thiểm đã thêm 13,5 tỷ USD, lên 91,7 tỷ USD, nhờ cổ phiếu của Nongfu tăng 18%. Bloomberg khi đó đánh giá, ông Chung giàu hơn cả nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett.
Cũng theo hãng tin Bloomberg, tài sản của tỷ phú Chung đang tiến gần tới con số 100 tỷ USD. Mốc tài sản này hiện mới có 5 tỷ phú đạt được, gồm Jeff Bezos của Amazon, Elon Musk của Tesla, Bill Gates của Microsoft, Bernard Arnault của LVMH, Mark Zuckerberg của Facebook.
“Con sói đơn độc” đầy bí ẩn
Vì không tham gia vào các hội nhóm doanh nhân hay các hoạt động chính trị, nên tỷ phú Chung bị các báo đặt biệt danh là “con sói đơn độc”. Tại Trung Quốc, ông Chung được biết đến bởi hai thương hiệu Nongfu Spring (Nông Phu Sơn Tuyền) và Yangshengtang (Dưỡng Sinh Đường).
Theo hãng tin BBC, ông Chung Thiểm Thiểm có tiếng là người bí ẩn ở ngay tại Trung Quốc. Sinh năm 1954 ở tỉnh Chiết Giang, ông từng phải bỏ học khi gia đình chuyển nhà đi nơi khác.
Trước khi trở thành người giàu có, ông Chung đã trải qua nhiều công việc như thợ xây, viết báo, trồng nấm... Khi còn làm việc cho Nhật báo Chiết Giang, ông Chung Thiểm Thiểm chuyên viết về mảng nông thôn và đã phỏng vấn nhiều doanh nhân, đồng thời tích lũy kiến thức quan hệ.
Sự nghiệp kinh doanh của ông Chung Thiểm Thiểm bắt đầu ở đặc khu kinh tế Hải Nam. Tại đây, ông đã làm nghề trồng nấm, nuôi tôm nhưng không thành công. Chỉ sau khi bước vào nghề kinh doanh dược phẩm dưỡng sinh, Chung Thiểm Thiểm mới phất lên nhanh chóng.
Bắt đầu từ lĩnh vực nước uống, ông Chung đã đi vào ngành dưỡng sinh, dược phẩm. Ảnh: BBC |
Sau đó, công ty Nongfu Spring của ông làm nước trái cây rồi các loại nước giải khát và đưa ông trở thành triệu phú. Năm 1993, công ty Yangshengtang được thành lập và đến 2001 thì sáp nhập với Beijing Wantai.
Tháng 4/2020, công ty bào chế vắc-xin Beijing Wantai Biological của ông Chung được niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Vài tháng sau, công ty Nongfu Spring lên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Kênh đầu tư siêu lợi nhuận
Theo BBC, cổ phiếu của Nongfu tăng 155% từ khi niêm yết, nhưng chưa là gì so với giá trị cổ phiếu của công ty sản xuất vắc-xin. Có mặt trong số các tập đoàn được giấy phép sản xuất vắc-xin ngừa Covid ở Trung Quốc, cổ phiếu của Beijing Wantai Biological đã tăng giá 2.000%.
Hãng tin Reuters cho hay, tháng 9/2020, Beijing Wantai bắt đầu thử nghiệm loại vắc-xin xịt vào mũi bên cạnh vắc-xin tiêm để chống Covid-19.
Ngoài làm giàu cho bản thân, ông Chung còn giúp 4 người thân trở thành tỷ phú.
Em gái ông là Chung Hiểu Hiểu và 3 người anh chị em đằng vợ của ông mỗi người nắm 1,4% cổ phần trong Nongfu, trị giá 1,3 tỷ USD mỗi người. Cú tăng giá trên thị trường chứng khoán còn giúp cho 65 cổ đông trở thành triệu phú đôla, theo các báo châu Á hồi tháng 9 năm ngoái.
Dương Lâm (Tổng hợp từ BBC, Bloomberg)
Tỷ phú giàu nhất Ấn Độ được bảo vệ như tài sản quốc gia
Được xem là "tài sản quốc gia", người giàu nhất Ấn Độ Mukesh Ambani được hưởng chế độ an ninh Z+ của chính phủ với 55 nhân viên bảo vệ có vũ trang.