Chiều 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ban phát, xin cho bao giờ hết
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) đánh giá bên cạnh các địa phương thực hiện nghiêm túc luật đầu tư công, vẫn còn một số nơi chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên.
Dẫn chứng là tháng 2/2020, một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng xuất phát từ tính “cấp bách”, nhưng cũng chính các dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đã không còn “cấp bách”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai |
Bà Mai nhận xét: "Nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà từ ý muốn chủ quan".
Dẫn chứng nữa được ĐB TP Hà Nội đưa ra là trong tổng số 3.476 dự án diện chuyển tiếp, có hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể.
Theo bà Mai, điều này có thể dẫn đến hệ lụy lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt là tạo áp lực ngân sách khi rất nhiều dự án mới được bổ sung.
“Vốn đầu tư công phải được hiểu là tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình quyền ban phát và câu chuyện về cơ chế xin cho không biết khi nào mới kết thúc”, bà Mai bày tỏ.
Nữ đại biểu kiến nghị, cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh động viên những địa phương thực hiện tốt cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ.
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016-2020 có một số nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết 26 của Quốc hội là chưa đạt yêu cầu.
Cụ thể các dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, trong đó điển hình như dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần phải hoàn thành trong năm 2021. Nhưng đến nay một số dự án thành phần của dự án vẫn chưa thực hiện xong công tác đấu thầu và một số tiến độ rất chậm như tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ.
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Cà Mau còn cho rằng, có tình trạng chưa tuân thủ nguyên tắc bố trí vốn đầu tư tập trung để khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải dở dang. Đó là trường hợp nhiều dự án được khởi công mới, trong khi nhiều dự án bị giãn, hoãn tiến độ từ giai đoạn trước, chưa được bố trí vốn để tiếp tục thi công.
Cụ thể là dự án nâng cấp Quốc lộ 63 đã được Bộ GTVT phê duyệt từ 2010 nhưng do hoãn, giãn tiến độ đến năm 2014 mới có chủ trương triển khai trước đường vành đai 2. Đến nay, gói thầu trên đã thực hiện khoảng 80% khối lượng, lũy kế vốn đầu tư cho dự án là 261 tỷ đồng, nhưng chưa được bố trí vốn.
Đoạn còn lại 13km có mật độ giao thông rất lớn nhưng mặt đường hẹp, nhỏ hơn 5,5m không đáp ứng nhu cầu giao thông, thường xuyên ùn tắc và có nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị bố trí vốn cho toàn bộ dự án này trong giai đoạn 2021-2025.
Phân cấp, phân quyền đã rõ, không còn gì trên trung ương
Giải trình sau đó, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đầu tư công liên quan đến rất nhiều các cấp, các ngành, rất nhiều tổ chức, cá nhân, từ trung ương đến địa phương, đến giải phóng mặt bằng, nhà thầu, tư vấn, giám sát…
Nhắc đến câu chuyện phân cấp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Luật rất rõ rồi nhưng rất nhiều địa phương vẫn né tránh, đùn đẩy và liên tục hỏi lại trung ương để hướng dẫn lại những vấn đề đã rõ, mất rất nhiều thời gian và không cần thiết.
“Xin thưa rằng, bây giờ là tất cả các vấn đề phân cấp, phân quyền đã rõ, không còn gì trên trung ương, báo cáo với các vị ĐBQH như vậy. Bây giờ từ khâu lập dự án, lựa chọn dự án, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, triển khai, bố trí vốn chi tiết hàng năm dự án nào, bao nhiêu tiền đều do địa phương và bộ, ngành làm hết, Trung ương bây giờ không làm”, Bộ trưởng KH-ĐT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Theo ông, Trung ương chỉ phân bổ theo nguyên tắc tiêu chí Quốc hội thông qua, sau đó về các địa phương chủ động tự bố trí, tự phân bổ. Bộ làm mỗi một việc là tổng hợp và không có gì sai với các nguyên tắc, tiêu chí là trình Chính phủ và trình Quốc hội thông qua.
“Bây giờ không thể nói là dàn trải ở đâu, dàn trải ở ngay địa phương chúng ta chọn dự án không đúng, bố trí vốn chậm, giao vốn chậm. Bây giờ đã giao một lần và từ cuối tháng 11 của năm trước đã giao một lần. Tất cả là chậm giao chi tiết ở dưới địa phương chưa làm xong thủ tục nên chưa giao được”, Bộ trưởng KH-ĐT khẳng định.
Ngoài ra, ông Dũng cũng nêu thực trạng từ việc lựa chọn dự án chưa bám sát các quy hoạch, yêu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển và khả năng cân đối.
“Một số trường hợp còn bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, chạy theo phong trào, chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư để đề xuất dự án. Như sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án BT, dự án BOT, khu công nghiệp giống như bài học của chúng ta trước đây về các nhà máy mía, đường, nhà máy giấy, xi măng…”, tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng.
Theo ông, đây là bài học theo phong trào, không xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu phát triển, khả năng cân đối của ngân sách nhưng cứ đề xuất dẫn đến không bố trí được, dẫn đến chậm, dàn trải, lãng phí, thất thoát.
“Nhiều dự án chưa cần thiết chúng ta cũng đề xuất, nhiều dự án quy mô quá lớn so với yêu cầu, đáng nhẽ làm nhỏ chúng ta lại xin làm to, không kiểm soát được các định mức đơn giá như tổng mức đầu tư. Vì vậy dẫn đến tổng mức đầu tư đội lên rất lớn, không có khả năng cân đối, rất lãng phí, dẫn đến kéo dài, ảnh hưởng đến dự án”, Bộ trưởng phân tích.
Thu Hằng - Trần Thường
Đề xuất xây dựng trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin quốc gia
Đại biểu Quốc hội đề xuất cần dành nguồn vốn đầu tư công cho nghiên cứu khoa học đặc biệt là để ứng phó với dịch bệnh như Covid-19.