Bối cảnh phát triển của mạng xã hội, Internet và cuộc cách mạng 4.0 tạo ra rất nhiều cơ hội và không gian để dự thảo chính sách được truyền thông sâu rộng hơn, hiệu quả hơn và tạo ra nhiều đột phá trong công tác truyền thông.

Tuy vậy, thông tin ở trên mạng xã hội có tính đa chiều, không chính thống nên dễ bị lợi dụng, xuyên tạc, chống phá.

Theo một nghiên cứu chuyên đề mới đây của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi các dự thảo chính sách được đăng tải cũng là lúc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ xuất hiện và phát tán trên mạng xã hội. Truyền thông dự thảo chính sách không chỉ phổ biến nội dung dự thảo chính sách mà còn phải tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc trên mạng xã hội hòng làm lũng đoạn thông tin, kêu gọi người dân tẩy chay dự thảo chính sách hoặc gieo rắc cảm xúc tiêu cực về chính sách sắp ban hành.

Các sản phẩm truyền thông đấu tranh trên mạng xã hội cần đa dạng, có thể là các bài chính luận, bút chiến, tin, truyện ngắn, thơ ca, hò vè, tranh biếm họa, video clip… Nội dung các bài viết nên bắt đầu từ thực tiễn, câu chuyện có thật, được mọi người quan tâm để đi đến các nhận định mang tính định hướng dư luận xã hội về dự thảo chính sách.

Để đấu tranh với các thông tin xấu độc về dự thảo chính sách trên mạng xã hội, nghiên cứu chuyên đề của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra một loạt khuyến nghị.

anh 10a.jpg
Ngoài lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên gia, người làm báo, cần có lực lượng tuyên truyền viên đăng tải, biết tương tác, chia sẻ những bài viết phân tích, vạch trần bản chất của những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. 

Đáng chú ý, ngoài lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên gia, người làm báo, cần có lực lượng tuyên truyền viên đăng tải, biết tương tác, chia sẻ những bài viết phân tích, vạch trần bản chất của những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. 

Cùng với đó, cần chủ động sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật hiện đại để đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Các thế lực thù địch rất tinh vi, xảo quyệt khi triệt để tận dụng các thành tựu khoa học mới, các ứng dụng công nghệ được hỗ trợ từ nước ngoài để phát tán các tin giả, bôi nhọ, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính vì thế, chủ động áp dụng giải pháp về công nghệ, kỹ thuật hiện đại là một biện pháp đấu tranh có tính ưu việt giúp chúng ta thu thập, nắm bắt được nguồn phát tán thông tin sai trái, thù địch mọi lúc, mọi nơi; đo đếm, định lượng được tốc độ lan truyền bằng thông số cụ thể; tính toán, đánh giá được mức độ nguy hiểm của thông tin xấu độc. Từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp, nhanh chóng ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai trái ngay từ khi xuất hiện, giúp kiểm soát được tình hình sớm.

Mặt khác, các cơ quan báo chí cần thiết lập các trang fanpage của mình để truyền thông dự thảo chính sách được rộng rãi, kịp thời. Các trang fanpage, group trên mạng xã hội hoàn toàn có thể trở thành “cánh tay nối dài” của báo chí trong cung cấp thông tin chính thống và định hướng kịp thời những vấn đề mới, cần trao đổi, tranh luận, góp ý vào dự thảo chính sách.

Đối với dự thảo chính sách quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng đến đông đảo người dân, chủ thể truyền thông phải dự báo trước được tình hình, xu hướng để chủ động chiếm lĩnh truyền thông trên mạng. Khi xuất hiện những thông tin xuyên tạc dự thảo chính sách trên mạng xã hội, các cơ quan truyền thông phải nhanh nhạy nắm bắt, đánh giá tác động cụ thể, “giải độc” thông tin kịp thời, giúp người đọc nắm rõ bản chất vấn đề, không để những tin này ảnh hưởng xấu đến cư dân mạng. 

“Sử dụng mạng xã hội trong truyền thông dự thảo chính sách là tất yếu khách quan và là một xu thế không thể đảo ngược được. Nhận thức đúng đắn cả mặt tính cực và tiêu cực của mạng xã hội, tích cực tìm hiểu, học hỏi các kỹ năng, nguyên tắc sử dụng mạng xã hội, các quy định pháp luật, các quy tắc cộng đồng, nâng tầm văn hóa sử dụng mạng xã hội chính là điều kiện tiên quyết để cán bộ truyền thông có thể tận dụng mạng xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông dự thảo chính sách trong thời kỳ mới”, nghiên cứu chuyên đề của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh.

Ngọc Minh và nhóm PV, BTV