Quảng Trị là một trong những địa phương được tội phạm mua bán người chọn làm nơi trung chuyển người qua biên giới và sang các nước thứ ba. Tỉnh có 206 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có nhiều đường tiểu ngạch, địa hình đồi núi hiểm trở. Dân cư sinh sống ở khu vực biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế. Đây là điều kiện mà tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động, trong đó “nhắm” vào đối tượng chủ yếu là phụ nữ, trẻ em.
Để góp phần đấu tranh với loại tội phạm này, Công an tỉnh Quảng Trị đã chủ động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn hiệu quả hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.
Trong quý I năm 2024, tội phạm mua bán người tại Việt Nam hoạt động phức tạp. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, lực lượng chức năng đã phát hiện, khởi tố mới 20 vụ/40 đối tượng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023; tổng số vụ án thụ lý điều tra là 84 vụ/223 đối tượng phạm tội; tổng số nạn nhân là 178 người. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý sơ thẩm 55 vụ/150 bị cáo, tăng 23 vụ/54 bị cáo so với cùng kỳ năm 2023; giải quyết 32 vụ/87 bị cáo, tăng 14 vụ/47 bị cáo so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ 10 vụ/22 đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; khởi tố 6 vụ/7 bị can liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Savannakhet (Lào) trao trả 150 trường hợp người Lào nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh Quảng Trị trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Trước đó, ngày 5/5/2024, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phá thành công Chuyên án XCL2, đấu tranh, bắt giữ đối tượng Trần Trọng An (sinh năm 1994), trú tại thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tổ chức cho 2 người Trung Quốc xuất cảnh trái phép qua Lào.
Qua điều tra, thu thập chứng cứ, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Trần Trọng An về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Từ một số vụ án gần đây cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và ước mơ đổi đời của nạn nhân để dụ dỗ, hứa hẹn tìm giúp việc làm ở nước ngoài có thu nhập cao; hoặc rủ cùng đi tham quan, du lịch ở các khu vực có cửa khẩu, biên giới.
Mặc dù thủ đoạn không mới nhưng đối tượng phạm tội có sự thay đổi về phương thức hoạt động. Lợi dụng ưu thế của Internet, các đối tượng đã sử dụng trang Facebook, Zalo, chủ động kết nối, tương tác với người tham gia mạng xã hội. Trước lời hứa hẹn hấp dẫn sẽ được đến nơi có “việc nhẹ”, “lương cao”, nhiều người dân đã bị dụ dỗ, “sập bẫy” và trở thành nạn nhân.
Nếu trước đây, các đối tượng tiếp cận, làm quen trực tiếp với nạn nhân thì nay đã chuyển sang kết nối thông qua Facebook, Zalo để chỉ dẫn thời gian, địa điểm, cách thức di chuyển đến khu vực biên giới thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị.
Tại đây, các đối tượng yêu cầu thu giữ giấy tờ, hộ chiếu của nạn nhân, sau đó tìm cách đưa sang khu vực biên giới thuộc nước Lào, bị cưỡng bức lao động, tham gia vào đường dây lừa đảo công nghệ cao hoặc bị trở thành nạn nhân của các vụ mua bán nội tạng...
Lực lượng công an đã tham gia phối hợp cùng lực lượng biên phòng tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người và hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép.
Định kỳ hằng năm, Công an tỉnh Quảng Trị tổ chức hội đàm, ký kết biên bản ghi nhớ với Công an tỉnh Savannakhet và tỉnh Salavan (Lào) phối hợp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người, xuất, nhập cảnh trái phép.
Chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân hay nghi là nạn nhân của các vụ mua bán người. Lực lượng công an tiếp tục tham mưu triển khai quyết liệt, sâu rộng các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7.
Triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Tăng cường công tác nắm tình hình, ngăn chặn và phòng ngừa từ xa, không để bị động bất ngờ, không để tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, không để hình thành các tổ chức, đường dây tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, trẻ em ở địa bàn dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa.
Chú trọng truyền thông trực tiếp các chính sách, pháp luật về xuất cảnh hợp pháp, hôn nhân có yếu tố nước ngoài; lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm mua bán người với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế. Tăng cường phối hợp với công an các tỉnh của nước Lào có chung đường biên giới để chủ động đấu tranh có hiệu quả, nhằm tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.