Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức Séc từ 18-20/1, sau lễ đón trọng thể sáng 20/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Séc Petr Fiala đã hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Séc Petr Fiala nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính xác lập dấu mốc ý nghĩa lịch sử mới trong quan hệ song phương, đó là việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025).

Chuyến thăm mở ra một trang mới trong mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam – Séc khi Việt Nam trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên là Đối tác chiến lược của Séc, góp phần đẩy mạnh quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

img6320 1737372700035197523125.jpg
Thủ tướng Séc Petr Fiala chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Petr Fiala khẳng định Việt Nam là nước quan trọng nhất, gần gũi nhất của Séc tại châu Á.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được quay lại Séc và mỗi lần đến đều cảm nhận được hơi thở lịch sử và văn hóa Praha, viên kim cương của các thủ đô châu Âu.

Hai Thủ tướng đã trao đổi toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội mỗi nước, quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế...

Hai lãnh đạo nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Séc lên Đối tác chiến lược và sớm xây dựng Chương trình hành động để triển khai khuôn khổ Đối tác chiến lược Việt Nam - Séc đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới.

Với quyết định này, Séc trở thành nước Trung Đông Âu đầu tiên trong EU có quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. 

img6336 1 17373798048981847339526.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Séc Petr Fiala. Ảnh: Nhật Bắc

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực truyền thống như quốc phòng - an ninh, thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch và giao lưu nhân dân, đồng thời mở rộng hợp tác sang năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và tuần hoàn, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, khai khoáng, năng lượng, an ninh lương thực…

Về thương mại - đầu tư, hai bên nhất trí triển khai cơ chế hợp tác kinh tế vốn có; khuyến khích doanh nghiệp Séc đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ô tô, năng lượng tái tạo, chế tạo máy, khai thác  và chế biến khoáng sản, hóa chất, chế biến thực phẩm...

Thủ tướng đề nghị Chính phủ Séc hỗ trợ thúc đẩy các nước còn lại của EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), ủng hộ việc Ủy ban Châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, tính đến nỗ lực nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ khuyến nghị của EC về phát triển nghề cá bền vững, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng Séc và EU.

Hai bên nhất trí sẽ hỗ trợ, làm cửa ngõ cho hàng hóa của nhau vào thị trường ASEAN và EU. 

img0435 1737379804810269266753.jpg
Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Petr Fiala đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Séc tại châu Á-Thái Bình Dương, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Séc quan tâm mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

Thủ tướng Petr Fiala nhất trí đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về sớm mở đường bay trực tiếp giữa hai nước và qua Séc đến Trung Đông Âu để tăng cường giao lưu nhân dân, du lịch.

Thủ tướng Petr Fiala đánh giá cao việc Việt Nam quyết định miễn thị thực cho công dân Séc trong năm 2025, đây là cú hích để tăng cường hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân. Thủ tướng Petr Fiala đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ thành lập trung tâm văn hóa Séc tại Việt Nam, coi đây là kênh quan trọng giúp nâng cao hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

img6338 17373777820841827687150.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Petr Fiala chứng kiến lễ trao một số văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục và hàng không. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Séc đánh giá cao vai trò cộng đồng người Việt Nam tại Séc, coi đây là cầu nối quan trọng giữa hai nước; nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc.

Hai nhà lãnh đạo cho rằng, trong một thế giới nhiều biến chuyển và nhiều thách thức, hai bên chia sẻ nhận thức về các tiếp cận toàn dân, toàn cầu, toàn diện và nhất trí hai nước cần tăng cường đoàn kết...