Ngày 7/10, Hiệp hội Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tại Osaka, Nhật Bản, đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Việt Nam học.

Trung tâm Việt Nam học là cơ sở phối hợp nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về Việt Nam, cung cấp dữ liệu, kiến thức đa chiều về Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam. 

462554072_2324394891243555_2631894818662725696_n.jpg
Lễ ra mắt Trung tâm Việt Nam học tại Nhật Bản.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh, việc bản tồn văn hóa và tiếng Việt không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và hội nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Kansai, là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao mong muốn cộng đồng người Việt tại khu vực Kansai phát huy hiệu quả mô hình Trung tâm Việt Nam học để bà con kiều bào ta tại các địa bàn khác học tập, tiếp thu và nhân rộng.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka - Ngô Trịnh Hà cho rằng, việc thành lập Trung tâm Việt Nam học sẽ mở ra một giai đoạn mới trong định hướng phát triển của Hiệp hội Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp và ngày càng có nhiều nhu cầu về sự hiểu biết cũng như hợp tác giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến du lịch, thể thao.

Tham dự buổi lễ, bà Lê Thương, Hiệu trưởng Trường Việt ngữ Cây Tre cho biết, Trung tâm Việt Nam học là nguồn tri thức hàn lâm, là cơ sở sáng tạo và phát triển tri thức về Việt Nam trên các lĩnh vực, như: kinh tế, xã hội, chính trị, lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ. Đây sẽ là nơi bồi đắp dữ liệu, kiến thức về Việt Nam có chất lượng, phục vụ các cơ quan Chính phủ và tư nhân của Nhật Bản nhằm thúc đẩy quan hệ Nhật Bản - Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Theo bà Thương, số lượng người Việt tại Nhật Bản ngày càng tăng, hiện đã vượt 500.000 người, nhu cầu giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ đang trở nên cấp thiết. Trung tâm Việt Nam học và các lớp dạy tiếng Việt sẽ góp phần tạo nên thành công cho hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam tại Nhật Bản. 

Trong lễ ra mắt, Giáo sư Shimizu Masaaki, Trưởng Bộ môn Tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka, Nhật Bản bày tỏ mong muốn, thông qua trung tâm, thời gian tới sẽ tăng cường các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ môn Tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka với một số trường đại học của Việt Nam để trao đổi sinh viên, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên giữa trường và đối tác Việt Nam trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy và làm việc có thời hạn. Đồng thời, kết nối Hội Nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản với các chuyên gia Việt Nam học tại Việt Nam ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn.

Năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó thúc đẩy tổ chức nhiều hoạt động, như Cuộc thi tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài, xây dựng tủ sách, cung cấp giáo trình tiếng Việt, chương trình Gala "Tiếng mẹ thân thương"…

Hưởng ứng Đề án này, những năm qua, các hội đoàn người Việt Nam tại Nhật Bản đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường việc dạy và học tiếng Việt, kết nối với các tổ chức, đoàn thể quần chúng ở trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông với mục tiêu xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, có vị trí trong xã hội sở tại và hướng về quê hương, đất nước. Việc thành lập Trung tâm Việt Nam học tại Nhật Bản cũng là dấu mốc quan trọng trong công tác bảo tồn, gìn giữ tiếng Việt ở Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.