Lâu nay người ta vẫn thường đề cập đến vấn đề ghen tuông trong tình yêu như một “căn bệnh” khó chữa, nó khiến cho đối phương cảm thấy mệt mỏi vì bị kiểm soát, nghi ngờ. Thế nhưng, cũng có những trường hợp ngược lại, không ít người đã cảm thấy hết sức đau khổ vì… vợ không hề biết ghen tuông là gì.

{keywords}

Ảnh: ilov.gr

Nghi ngờ tình yêu vì không được… ghen

Anh Hoàng, khách hàng của Công ty tư vấn An Việt Sơn (ở Hà Nội) cho biết, anh khá là đau khổ khi có một người vợ không biết ghen tuông. Nhiều khi anh cảm thấy khá hụt hẫng vì sự không ghen của vợ mình. 

Anh đi đâu, làm gì, đi với ai, vợ anh cũng chẳng bao giờ quan tâm. Một lần đi công tác ở một tỉnh phía Nam nhưng anh không cho vợ biết là mình đi bao lâu. Bình thường đi xa, anh thường gọi điện về nhà nhưng lần đó anh quyết tâm không gọi. Vậy mà đúng một tuần anh công tác xa nhà mà vợ chẳng hề gọi điện hỏi “bao giờ anh về” như anh mong muốn.

“Tôi có cảm giác vợ xem tôi như không còn tồn tại. Có lẽ cô ấy không còn yêu tôi nữa thì mới không quan tâm đến việc tôi đi đâu, làm gì như vậy. Thực tế thì tôi biết rõ vợ tôi không có người đàn ông nào khác ngoài tôi. 

Thế nhưng cách mà cô ấy mặc kệ tôi muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi khiến tôi cảm thấy mình chẳng quan trọng gì đối với cuộc đời cô ấy. Một lần tôi nghe lỏm được câu chuyện của vợ với một đồng nghiệp nữ. 

Vợ tôi nói: “Cách giữ đàn ông tốt nhất là không kiểm soát mà hãy để họ tự do”. Phải chăng vợ tôi tỏ ra không ghen tuông và để tôi thỏa thích được tự do như vậy là để “giữ chồng” hay còn vì lý do gì khác. Tôi thực sự cảm thấy không vui vẻ gì vì sự…ơ hờ của vợ mình”, anh Hoàng chia sẻ.

Cùng tâm trạng với anh Hoàng, Thanh - một người vợ trẻ tâm sự trên chương trình Cửa sổ tình yêu rằng: “Vợ chồng em lấy nhau được 4 năm, cháu trai 2 tuổi, cháu gái được 10 tháng. 

Từ khi xây dựng gia đình đến giờ chồng em chưa bao giờ có biểu hiện ghen tuông, nghĩa là em có thể đi chơi thoải mái, có thể nói chuyện với bạn khác giới, có thể làm bất cứ điều gì, thậm chí có thể đi chơi với bạn khác giới ngay trước mặt chồng mà chồng em không có biểu hiện ghen. 

Đấy có phải là một trong những biểu hiện là chồng em không yêu vợ, không thương vợ không?. Em chỉ thắc mắc và cảm thấy không hiểu nổi vì sao chồng em lại không ghen. Các cụ nói “có ghen mới có yêu”, vậy mà em đã làm đủ mọi cách rồi mà chồng em chẳng ghen gì hết”.

Ghen thế nào là đủ “độ”?

Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn (Hà Nội), lâu nay người ta vẫn thường đề cập đến vấn đề ghen tuông trong tình yêu như một “căn bệnh” khó chữa. Nhiều người cảm thấy như sống trong địa ngục vì bị người bạn đời ghen tuông quá đáng. 

Vì bị ghen tuông, nhiều người bị người bạn đời (hoặc bạn tình) kiểm soát 24/24h khiến cho họ cảm thấy cuộc sống trở nên ngột ngạt, khó thở. Không ít người vì không thể chịu đựng nổi sự ghen tuông của người yêu, của chồng, của vợ mà đã phải tìm tới biện pháp chia tay, chạy trốn khỏi mối quan hệ lấy đi sự tự do tự tại của mình…

Theo các chuyên gia tâm lý, trong tình yêu hay trong quan hệ vợ chồng, ghen tuông được xem như một loại gia vị. Nếu nêm quá tay thì món ăn sẽ bị biến dạng. Ngược lại, nếu không có nó thì món ăn cũng trở nên đơn điệu, nhạt nhẽo và nhàm chán. 

Đối với tình yêu cũng vậy, nếu ghen tuông quá đà thì nó sẽ trở thành thứ độc dược giết chết tình yêu, làm cho hai người yêu nhau trở nên mệt mỏi vì bị nghi ngờ, bị theo dõi, bị kiểm soát. Nhưng nếu không có chút gì gọi là hờn ghen thì mối quan hệ như vậy cũng không được gọi là hạnh phúc. Hoặc là cả hai người đã hết yêu nhau, hoặc là cả hai đều sống như để tồn tại, gá vào nhau để tồn tại một gia đình chứ không có cái gọi là yêu đương hay đam mê. 

Khi một người cảm thấy bất an thì người kia không hề ghen tuông là bởi họ cảm thấy mình không được yêu, cảm thấy mình không có giá trị gì trong mắt người bạn đời. Các cụ xưa nói: “Có ghen thì mới có yêu” là vì vậy. Thực tế thì một chút ghen tuông sẽ làm cho người bạn đời cảm thấy được yêu, được hãnh diện vì thấy mình có giá trị. 

Nhưng nếu ghen “quá tay” một chút thôi thì cũng đủ làm chết cõi lòng của người khác. Bởi con người ai cũng mang trong mình lòng tự tôn cá nhân, nếu sự hờn ghen cho thấy bạn đang thiếu tin tưởng vào người bạn đời, cho thấy bạn đang gán những điều xấu xa cho người bạn đời…thì lập tức sự hờn ghen đó đã phản tác dụng.

Theo các chuyên gia tâm lý, ghen phải đúng cách, đúng lúc. Ghen chỉ có tác dụng làm cho tình yêu trở nên nồng cháy hơn khi sự hờn ghen đó không lớn hơn tình yêu và sự trân trọng của bạn đối với đối phương. Có người còn cho rằng, ghen tuông cũng là một nghệ thuật của sự biểu đạt cảm xúc, tình cảm. Điều này cũng rất đúng, bởi suy cho cùng, nó chỉ có tác dụng khi được sử dụng như một nghệ thuật ứng xử chứ không phải thể hiện sự phẫn nộ của cảm xúc. Vậy ghen thế nào để vừa đủ “độ” hâm nóng tình yêu?

Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, “độ” vừa phải của ghen tuông được đo bằng một chút hờn giận làm cho tình yêu thêm nồng nàn, bền chặt bởi nó giúp hai người hiểu nhau hơn. 

Độ vừa phải của nó là khi ghen, người trong cuộc vẫn tỉnh táo, ý thức được việc làm của mình và đặc biệt khi nó xuất phát từ tình yêu, sự trân trọng và mong muốn thấu hiểu lẫn nhau để cùng vun đắp hạnh phúc lâu dài. Khi ghen bạn phải chứng tỏ cho người bạn trăm năm hiểu rằng bạn yêu mến anh ấy và không muốn chia sẻ tình yêu của anh ấy cho bất cứ ai. 

Nếu ghen tuông đến độ khiến cho bạn mất kiểm soát cảm xúc dẫn đến những hành vi, lời nói mang tính xúc phạm, bỡn cợt đối phương thì đó là lúc bạn đã ghen quá đà, cần phải nhận ra và lập tức dừng lại.

Tình ngay lý gian: Ngay trước mũi vợ, ôm hôn nhầm... bạn vợ

Tình ngay lý gian: Ngay trước mũi vợ, ôm hôn nhầm... bạn vợ

Tưởng người trong chăn là vợ, tôi tiến lại ôm hôn, không ngờ đó lại là N cô bạn thân của hai vợ chồng tôi...

Bí mật mang tên: Chồng cũ

Bí mật mang tên: Chồng cũ

Tôi đã từng nghĩ sẽ chôn giấu câu chuyện lầm lỡ thời trẻ này mãi mãi, nhưng chồng cũ lại bất ngờ tìm đến sau 10 năm bặt vô âm tín.

(Theo Gia đình và xã hội)