- Tháng 6-7 là đỉnh của dịch viêm não, bệnh có tỉ lệ tử vong lớn và để lại di chứng vô cùng nặng nề nhưng nhiều dấu hiệu ban đầu dễ bị bỏ qua.
Trong 5 tháng đầu năm, cả nước đã có gần 160 trường hợp viêm não do virus. Viêm não do virus có hơn 10 loại, nhưng phổ biến nhất là viêm não Nhật Bản (chiếm khoảng 15-20%).
Mới đây, khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận một thiếu niên 15 tuổi, quê Hà Tĩnh nhập viện trong tình trạng mất ý thức do viêm não Nhật Bản với biểu hiện đau đầu, nôn, sốt, cánh tay phải bị bại.
Trước đó bệnh nhân đã được gia đình đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ cấp cứu, sau đó chuyển đến bệnh viện Hữu nghị Nghệ An, khi đến Bạch Mai bệnh cảnh đã rất nặng, li bì, ngưng thở, nhịp tim, huyết áp bất thường, gọi hỏi không phản ứng.
Virus gây viêm não Nhật Bản truyền qua muỗi đốt |
Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân sau đó đã được cứu sống, tuy nhiên phải hứng chịu di chứng thần kinh, liệt rất nặng nề.
Bệnh viện Nhi Trung ương và bệnh viện của tỉnh Thanh Hóa cũng báo cáo phát hiện 2 ca mắc viêm não Nhật Bản.
Với viêm não do virus Nhật Bản, tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc nếu chưa có miễn dịch, chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi và gặp nhiều nhất ở trẻ 1-5 tuổi.
Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, virus có thể xâm nhập, tấn công não bộ theo đường máu do muỗi chích. Bệnh thường xảy ra đột ngột, có trẻ đang khỏe mạnh bỗng dưng sốt cao, co giật, dẫn đến lờ đờ, hôn mê trong 1-3 ngày. Diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh.
Theo ước tính, khoảng 30% bệnh nhân viêm não Nhật Bản tử vong và khoảng 50% bệnh nhân có di chứng thần kinh, tâm thần. Tử vong nhiều nhất trong 7 ngày đầu khi hôn mê sâu, co giật và tổn thương hành não gây rối loạn hô hấp, tim mạch trầm trọng, tử vong giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng viêm phổi, suy kiệt...
Việc nhập viện muộn hay sớm sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc hạn chế tỉ lệ tử vong và tỉ lệ di chứng khi mắc viêm não virus.
Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi trẻ có những dấu hiệu ngủ nhiều bất thường, biếng chơi thì cha mẹ đã cần chú ý và cần bắt buộc đưa trẻ đi nhập viện khi sốt cao, ói mửa, mạch nhanh, đau đầu, đặc biệt co giật, hôn mê.
PGS.TS Trần Đắc Phu, viêm não do virus không có thuốc điều trị đặc hiệu, cách phòng tốt nhất là tiêm vắc xin ngừa viêm não, nhưng trong nhiều chủng virus gây bệnh hiện mới có vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản. Hiện vắc xin này đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ.
Tuy nhiên PGS Phu lưu ý, các loại vắc xin thông thường chỉ cần tiêm 1 mũi đã có hiệu lực bảo vệ (dù thấp) nhưng với vắc xin viêm não Nhật Bản, tiêm 1 mũi vẫn không có hiệu lực, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.
Theo đó phải tiêm đủ: Mũi 1: Lúc trẻ đủ 1 tuổi; Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: Sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Ngoài ra, phương pháp phòng bệnh khác có thể áp dụng đơn giản tại nhà để ngăn chặn mầm bệnh vào cơ thể như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và sát trùng bằng nước muối, cồn, oxy già, Cloramin B..., tránh muỗi đốt; khử trùng môi trường có chất thải tiết nghi ngờ; diệt vật chủ trung gian (muỗi, bọ gậy); làm sạch môi trường quanh nơi ở.
M.Anh