Trong buổi công bố kết quả điều hành và định hướng thị trường năm 2019, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng tính đến cuối năm 2018 tăng khoảng 14% so với cuối năm 2017. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã giảm tốc rõ rệt khi thấp hơn mức tăng trưởng năm ngoái (hơn 18%) và kế hoạch đặt ra (17%).

Hàng loạt thống kê khác cho thấy số tiền đưa vào nền kinh tế ít hơn so với cùng kỳ. Chẳng hạn, số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ghi nhận tốc độ tăng trưởng lượng cung tiền (M2 - lượng tiền thực đưa vào nền kinh tế) cũng thấp hơn mọi năm. Theo đó, tỉ lệ cung tiền trên GDP ước đạt khoảng 168%, tăng thấp hơn so với giai đoạn 2012-2016. Theo đánh giá của tổ chức này, lượng cung tiền và tín dụng đang được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.

{keywords}
Tín dụng bắt đầu giảm tốc

Số liệu chi tiết hơn, báo cáo kinh tế vĩ mô của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho thấy, dư nợ tín dụng bằng tiền Đồng ước tăng 12,84%, trong khi dư nợ tín dụng ngoại tệ giảm 2,72% so với cuối năm. Xét theo kỳ hạn, dư nợ tín dụng trung và dài hạn tăng 10,68%, còn dư nợ ngắn hạn tăng 12,62% so với cuối năm trước.

Trong năm nay, nhiều chuyên gia đánh giá diễn biến tín dụng đã có nhiều điều lạ.

Chẳng hạn, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright, nhận định tín dụng trong năm 2018 không còn đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế như trong giai đoạn trước nữa.

Một điểm đáng chú ý là tín dụng chủ yếu “rải” ở những tháng đầu năm, điều này khác với những năm trước là đầu năm tăng rất chậm, cuối năm lại đua nhau giải ngân. Theo T.S Lê Xuân Nghĩa, từ tháng 6, thị trường Việt Nam đón nhận cú sốc về chiến tranh thương mại nên tâm lý xáo trộn trên thị trường.

“Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước kiên quyết duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, không bị sức ép”, TS. Nghĩa nhận định. Theo vị chuyên gia này, cơ quan quản lý không còn quan trọng chuyện tăng trưởng theo số liệu, mà phải là tăng trưởng về chất lượng tín dụng.

{keywords}
Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số lĩnh vực ưu tiên

Dù cơ quan quản lý duy trì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở con số 14%, nhưng yếu tố “linh hoạt” theo tình hình vĩ mô cũng được nhắc tới. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đáp ứng trước thời hạn các chỉ tiêu an toàn mới trong Thông tư 41 sẽ được “ưu tiên” mức tăng trưởng cao hơn.

Con số này cho thấy chính sách khá thận trọng của cơ quan quản lý. Theo các chuyên gia, các tổ chức tín dụng vẫn đang đối mặt với bối cảnh đứng trước áp lực tăng vốn, để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới, cũng như giảm tỉ lệ sử dụng vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đây cũng là năm bản lề mà các ngân hàng phải thực hiện Basel II.

Mới đây, tại hội thảo về thị trường tiền tệ - bất động sản, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng, việc tăng trưởng dự kiến 14% trong năm nay sẽ buộc các ngân hàng tiếp tục lựa chọn khách hàng cẩn trọng hơn.

Năm ngoái, dòng vốn chảy vào nền kinh tế  tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, còn lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,88%, trong đó riêng lúa gạo tăng 25%, thủy sản tăng 14,1%, cà phê tăng 13,65%. Còn tín dụng lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm tỉ trọng 16% tổng dư nợ) tăng 13,2%. Tín dụng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tăng 15,9%.

{keywords}
Các ngân hàng đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn theo Thông tư 41 sẽ được “thoải mái” tăng trưởng tín dụng hơn

Định hướng năm 2019, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tăng cường quản lý rủi ro lĩnh vực cho vay BT, BOT với các dự án hạ tầng giao thông và tín dụng tiêu dùng. Đáng chú ý là sẽ kiểm soát cho vay ngoại tệ và có lộ trình giảm dần. Trên thực tế, dư nợ ngoại tệ trong năm 2018 đã giảm so với năm trước đó.

Trong năm nay, diễn biến tín dụng trên thực tế còn phụ thuộc vào các biến số vĩ mô như khả năng kiểm soát lạm phát và tỉ giá, trong đó tình hình thế giới sẽ ảnh hưởng đáng kể.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong năm ngoái các nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam có rút tiền về “cố thủ”, nhưng điều may mắn là chưa đến mức hoảng sợ. “Trong năm qua các nền kinh tế mới nổi dòng tiền tháo chạy nhưng Việt Nam vẫn có dòng tiền dương đi vào”, ông Nghĩa nói.

Còn theo nhận định của Công ty chứng khoán SSI, diễn biến trên thị trường tiền tệ tháng cuối năm là chỉ báo tích cực cho sự ổn định và các giải pháp điều hành trong quý đầu năm 2019.

Dũng Nguyễn