Trên cơ sở thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt vận dụng cơ chế, tăng cường bổ sung nguồn lực từ ngân sách tỉnh cũng như huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ các xã vùng khó khăn của tỉnh.
Đối với chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ: Ngoài mức hỗ trợ theo Quyết định, tỉnh đã xây dựng cơ chế hỗ trợ thêm 70.000đ/người/năm đối với hộ dân nghèo ở xã khu vực II, xã bãi ngang, hải đảo; hỗ trợ thêm 100.000đ/người/năm đối với hộ dân nghèo ở các xã khu vực III. Như vậy, ở chính sách này, mức hỗ trợ của Quảng Ninh cũng được thực hiện cao gấp hai lần so với định mức quy định tại Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số và hộ nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Chương trình 134 và Quyết định số 755/QĐ-TTg, những năm trước, tỉnh đều đã ưu tiên dành nguồn lực để hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn của đồng bào.
Về chủ trương phát triển KT-XH toàn diện vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh, nửa đầu năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết riêng về công tác dân tộc (Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/5/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Trong đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo hằng năm dành 30% tổng số vốn cho Chương trình xây dựng Nông thôn mới để hỗ trợ 22 xã và 16 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhằm sớm đưa các xã, thôn bản này hoàn thành mục tiêu, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Để tiếp tục nâng bước đi cho các xã, thôn vùng đồng bào DTTS, MN một cách vững chắc, mục tiêu đưa tất cả các xã, thôn ĐBKK của tỉnh ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng Đề án mới với cơ chế đặc thù trên nền cơ chế Chương trình 135 của Chính phủ, trong 3 năm 2017-2019, tỉnh đã huy động và bố trí 1.770 tỷ đồng để đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, với cơ chế vượt trội, đột phá, định mức hỗ trợ mỗi xã cao gấp 7 lần định mức của Trung ương giao.
Kết quả tổng kết thực hiện Chương trình 135-Đề án 196 cho thấy số hộ nghèo tại các xã ĐBKK giảm từ 61,99% ở cuối năm 2015, đến hết tháng 12 năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn 13,38% (theo chuẩn nghèo quôc sgia giai đoạn); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12,75 triệu đồng/người/năm 2015, đến năm 2019 là 32,62 triệu đồng/người/năm, tăng 2,56 lần.
Từng bước vững chắc, tỉnh đã đưa các xã, thôn đảm bảo đạt các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Từ năm 2019, tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, hoàn thành mục tiêu Đề án 196 trước 01 năm.
Nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS miền núi nói chung các hộ DTTS nói riêng đã thay đổi rõ rệt trong việc tự lực vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia các dự án phát triển kinh tế bền vững: Trong 3 năm (2018-2020) đã có gần 500 hộ DTTS sinh sống ở các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà... viết đơn tự nguyện xin được thoát khỏi diện hộ nghèo, đã minh chứng rằng chính sách và cách làm của Quảng Ninh rất phù hợp lòng dân, tạo hiệu ứng lan tỏa việc nâng cao nhận thức và sức mạnh đoàn kết – phát triển trong cộng đồng các DTTS của tỉnh, đồng thời đây cũng là dấu hiệu “chuyển mình” để vươn lên trong vùng đồng bào DTTS miền núi của tỉnh.
Báo cáo sơ kết 9 tháng của Ban Dân tộc tỉnh đã nêu rõ: trong 9 tháng đầu năm 2023, cơ quan công tác dân tộc từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã xây dựng kế hoạch và tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Một số kết quả nổi bật được ghi nhận có thể kể ra gồm: tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy và Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Thời gian qua, tỉnh cũng tập trung tham mưu, thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo nhiệm vụ của thành viên Tổ công tác 1315 được UBND tỉnh giao. Triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 sau khi được cấp kinh phí thực hiện.
Cơ quan công tác dân tộc 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu UBND cấp huyện phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025; tham mưu xây dựng kế hoạch năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nghị quyết số 06-NQ/TU, Chương trình tổng thể DTTS. Tích cực tham gia xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nghị quyết số 06-NQ/TU, Chương trình tổng thể DTTS trên địa bàn.
Các chính sách dân tộc được thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ theo Chương trình công tác năm đã xây dựng. Hầu hết các nội dung, nhiệm vụ được UBND giao được cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu, tiến độ và hiệu quả.
Tại Hội nghị, đại diện cơ quan công tác dân tộc cấp huyện, phòng Dân tộc Hạ Long, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ đã phát biểu đánh giá, làm sâu sắc hơn kết quả công tác dân tộc 9 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp 03 tháng cuối năm, đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tham mưu thực hiện công tác dân tộc thời gian vừa qua và đề xuất, kiến nghị để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tiếp theo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lục Thành Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị cơ quan công tác dân tộc và đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện cần tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau để hoàn thành kế hoạch năm 2023:
Tập trung thực hiện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện và các nhiệm vụ UBND giao.
Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Tập trung tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình năm 2023 đảm bảo yêu cầu, tiến độ đề ra. Phối hợp tham mưu, hoàn thành gắn biển các công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh (30/10/1963 - 30/10/2023) theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai xây dựng các kế hoạch, dự án, phương án phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham mưu, hoàn thành nội dung đề xuất nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn thực hiện Chương trình giai đoạn 2024 - 2025. Xây dựng kế hoạch đầu tư công và kế hoạch thực hiện các dự án, tiểu dự án sử dụng vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy và Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo năm 2024.
Tham mưu thực hiện các cơ chế, chính sách và triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất, phát triển các HTX, tổ hợp tác, mô hình liên kết trong sản xuất, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Hoàn thành xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 mỗi xã có ít nhất 01 mô hình phát triển sản xuất tập trung hoặc mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Tiếp tục tham mưu, triển khai, thực hiện kịp thời, đúng quy định và có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, trọng tâm là: Rà soát, đề xuất nhu cầu, triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; triển khai thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 21/6/2023 về “Thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 04 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025”; phối hợp triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS và người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; phối hợp thực hiện khảo sát thu nhập hộ dân cư vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh năm 2023 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Thực hiện tốt công tác nắm tình hình nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan. Rà soát, hướng dẫn đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2023. Tổng kết công tác dân tộc năm 2023, xây dựng và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế từng đơn vị, địa phương.