Khi tàu Titanic chìm xuống đại dương, ban nhạc trên tàu cùng chịu cảnh bi kịch với con tàu. Gần 100 năm sau thảm kịch hàng hải, người ta tìm thấy lại cây vĩ cầm của nhạc công Wallace Hartley và đem bán đấu giá hồi năm 2022. Cây đàn từng đạt mức giá 1,1 triệu bảng.
Giờ đây, chiếc túi da dùng để đựng cây đàn cũng sẽ được đem ra bán đấu giá. Cuộc đời của nhạc công Wallace Hartley cũng được nhắc nhớ lại.
Cây vĩ cầm vốn đã bị thất lạc trong vài thập kỷ. Vào năm 2006, con trai của một người nhạc công đã tình cờ tìm thấy cây đàn này nằm trên tầng gác mái nhà mình và quyết định đem rao bán đấu giá. Trên thân đàn có một mảnh bạc chạm khắc những thông tin giúp làm rõ nguồn gốc cây đàn.
Sau 7 năm phối hợp với các nhà nghiên cứu, sau cùng, nhà đấu giá khẳng định chắc chắn rằng cây vĩ cầm này chính là nhạc cụ mà nhạc công Hartley từng chơi trên tàu Titanic.
Ngay sau khi con tàu Titanic đâm phải tảng băng trôi trong đêm ngày 14/4/1912, vị nhạc công 33 tuổi đã cùng với ban nhạc chơi đàn giữa cơn hỗn loạn. 8 nhạc công đã cùng nhau đứng biểu diễn trên boong tàu, trong khi hành khách hoảng loạn tìm cách lên thuyền cứu hộ.
Ban nhạc tiếp tục chơi đàn cho tới khi kết cục bi thảm nhất đến với họ. Được biết trong những giờ phút cuối cùng, họ đã chơi bản nhạc Nearer, My God, To Thee (tạm dịch: Gửi Người, con đang tới gần hơn với Chúa).
Nhạc công Hartley và 7 thành viên trong ban nhạc cùng với hơn 1.500 hành khách và thủy thủ đoàn đã ra đi trong thảm kịch hàng hải.
Cây vĩ cầm của nhạc công Hartley đã lênh đênh trên đại dương vài ngày trước khi được tìm thấy. Có hai vết nứt dài trên thân đàn, bởi việc lênh đênh trên đại dương và bị ngấm nước đã khiến gỗ đóng đàn bị co ngót.
Với tấm lòng của người nghệ sĩ, nhạc công Hartley trong phút cuối đời đã cất đàn vào chiếc túi đựng đàn bằng da.
Có người cho rằng nhạc công Hartley muốn lợi dụng sức nổi của chiếc túi, những mong cứu được cả mình và cây đàn. Có người lại cho rằng Hartley biết mình sẽ chết nên trong giờ phút cuối cùng, ông đã ôm chặt tình yêu lớn của cuộc đời mình - tình yêu dành cho âm nhạc.
Khi tìm thấy thi thể của nhạc công Wallace Hartley ít ngày sau khi xảy ra thảm kịch hàng hải, người ta thấy vị nhạc công quá cố vẫn còn ôm chiếc túi đựng đàn.
Cây đàn vốn là do vị hôn thê của nhạc công - cô Maria Robinson - dành tặng, như một món quà đính ước hồi năm 1910. Trên miếng bạc gắn ở thân đàn có khắc dòng chữ: "Dành tặng anh Wallace nhân ngày đính hôn của chúng mình. Maria."
Sau thảm kịch hàng hải, người ta đã đem trao lại cho cô Robinson cây đàn cùng với những vật dụng cá nhân khác của nhạc công Hartley. Cô Robinson về sau không lấy ai khác và qua đời ở tuổi 59 tại thị trấn Colne, hạt Lancashire, Anh.
Sau khi Maria Robinson qua đời, cây đàn bắt đầu bước vào hành trình lưu lạc, người ta vốn tưởng cây đàn đã vĩnh viễn bị thất lạc, cho tới khi cây vĩ cầm bất ngờ được tìm thấy lại hồi năm 2006.
Trong cuốn nhật ký của cô Maria Robinson, vào ngày 19/7/1912, sau khi nhận lại được cây đàn của hôn phu quá cố, cô Robinson đã viết vào nhật ký: "Mình dành sự biết ơn vô hạn cho những người đã mang về đây cây đàn của anh. Cây vĩ cầm giờ đây sẽ là sợi dây kết nối tình yêu giữa mình và anh".
Cô Maria Robinson chỉ xin nhận lại cây vĩ cầm, những món đồ tùy thân khác của nhạc công Hartley đều được cô gửi lại cho cha ruột của nhạc công Hartley.
Về sau này, khi biết cô Robinson quyết định ở vậy, cha của nhạc công Harley lại gửi tặng tất cả những món di vật của con trai mình cho cô Robinson. Cây vĩ cầm cùng những món di vật đã được Maria Robinson gìn giữ cẩn thận cả đời. Sau khi bà qua đời, những món đồ trong nhà bà bắt đầu bị phân tán và thất lạc.
Đến năm 2006, sau khi cây đàn tình cờ được tìm thấy lại và được đem ra rao bán đấu giá, người chủ giấu tên của cây đàn đã chia sẻ: "Tôi nghĩ mình nên làm điều có ý nghĩa nhất đối với cây vĩ cầm. Hiện tại, nó đã không còn chơi được nữa, nhưng tôi tin nó vẫn có một câu chuyện rất đáng được kể lại".
Cây vĩ cầm hiện được trưng bày tại Bảo tàng Titanic Belfast (Anh). Chiếc túi da đựng đàn có những chữ cái viết tắt tên của nhạc công Wallace cũng sắp tìm được chủ nhân mới.
Đại diện nhà đấu giá Henry Aldridge & Son (Anh) - đơn vị sắp rao bán chiếc túi da vào ngày 27/4 tới đây - cho biết họ đã nhờ các chuyên gia phục chế xử lý những chi tiết kim loại trên chiếc túi da. Nhìn chung tình trạng chiếc túi da vẫn ở trạng thái lý tưởng.
(Theo Dân trí)