Trưa 19/10, trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, đã tiếp nhận thông tin vụ việc mỏ cát giá khởi điểm 1,2 tỷ nhưng được doanh nghiệp đấu giá chốt 370 tỷ đồng tại thị xã Điện Bàn.
"Tôi đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét việc đấu giá này có đúng theo luật đấu giá hay không. Nếu có vi phạm các quy định pháp luật thì sẽ xử lý nghiêm", ông Dũng nói.
Đồng thời, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các ngành chức năng tham mưu triển khai các biện pháp để kiểm soát giá cả phù hợp trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu, đẩy giá cao làm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Trước đó, sáng cùng ngày, bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho hay, phiên đấu giá mỏ cát với giá khởi điểm chỉ hơn 1,2 tỷ đồng nhưng chốt phiên tới 370 tỷ đồng.
Theo bà Châu, phiên đấu giá mỏ cát BĐ2B tại xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) bắt đầu từ 8h ngày 18/10 và kết thúc lúc 4h sáng nay (19/10).
Đáng chú ý, mức giá khởi điểm được đưa ra là 1,2 tỷ đồng nhưng sau khi trải qua suốt 20 tiếng với 200 vòng đấu, mỏ cát được chốt giá 370 tỷ đồng, tăng hơn 1.500% so với giá khởi điểm. Doanh nghiệp trúng thầu có trụ sở tại TP Đà Nẵng.
Được biết, mỏ cát xây dựng ĐB2B có diện tích 6,04ha, trữ lượng theo kế hoạch phê duyệt là 159.000m3, giá khởi điểm R =5%, bước giá 0,8%. Doanh nghiệp tham gia đấu giá phải đặt trước số tiền 242,8 triệu đồng.
Một doanh nghiệp chuyên mua bán cát tại thị xã Điện Bàn cho hay, hiện mức giá cát theo UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt là 150.000 đồng/m3. Giá cát tại bến cũng từ 150.000 đến 180.000 đồng/m3.
Do đó, kết quả đấu giá mỏ cát này cũng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì mức giá cao...
Ông Nguyễn Thanh Vỹ - Trưởng phòng TN&MT thị xã Điện Bàn thừa nhận, giá mà công ty trúng đấu giá là quá cao. Giá cát sau khi đấu hơn 2,3 triệu đồng/m3, nếu tính thuế, phí các loại, giá 1m3 cát sẽ lên đến gần 3 triệu đồng, điều này là phi thực tế so với giá thị trường hiện nay.
Trưởng phòng TN&MT thị xã Điện Bàn cũng thừa nhận, chưa biết sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp có bỏ cọc hay không. "Khi nào thông báo nộp tiền mà công ty không nộp mới biết được, phải chờ xem năng lực của họ", ông Vỹ nói.
Liên quan đến vụ việc này, ông Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, trước mắt, ngành đề nghị tỉnh chỉ đạo thị xã Điện Bàn chưa công nhận kết quả trúng đấu giá và rà soát lại toàn bộ quy trình đấu giá.
Đồng thời sẽ rà soát hết lại kết quả trong thời gian vừa qua, xem việc đấu giá trên địa bàn có sự bất thường nào khác giống trường hợp này không. Nếu có việc thâu tóm thị trường nguyên vật liệu thì sẽ kiến nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan xử lý theo quy định.