Đấu giá tăng gần 50 lần rồi… tháo chạy
Từ đầu năm 2022 đến quý I/2023, tỉnh Quảng Ngãi đấu giá thành công 12 mỏ cát. Nhiều mỏ cát có số tiền đấu giá cao vài chục lần so với giá khởi điểm.
Tuy nhiên, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền ký 2 quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản khu vực chưa có kết quả thăm dò đối với mỏ cát thôn Xuân Đình (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) và mỏ cát thôn Ngân Giang (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh).
Việc huỷ kết quả đấu giá với mỏ cát thôn Xuân Đình căn cứ trên đề nghị trả lại kết quả từ đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH xây lắp và thương mại Phú Cường.
Với giá khởi điểm chỉ hơn 570 triệu đồng, kết thúc đấu giá, mỏ này được Công ty Phú Cường đấu trúng với số tiền khoảng 16 tỷ đồng, tăng hơn gấp 28 lần. Tỉnh Quảng Ngãi dự báo trữ lượng mỏ này khoảng 75.000m3, trên diện tích 4,67 ha.
Nhưng công ty này cho biết, kết quả khảo sát trữ lượng thực tế không như dự báo nên muốn ngừng tham gia. Cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra kết luận, trữ lượng cát ở mỏ cát Xuân Đình vẫn như dự báo.
Với Công ty THC Quảng Ngãi, doanh nghiệp này đấu giá mỏ cát thôn Ngân Giang có diện tích trên 6ha, trữ lượng dự báo khoảng 122.000m3.
Mỏ cát này khởi điểm với giá hơn 839 triệu đồng, sau khi đấu giá thành công lên 44,3 tỷ đồng, tăng khoảng 47 lần. Doanh nghiệp đơn phương chấm dứt, không tham gia khai thác cát với lý do "tài chính không đảm bảo".
Nhiều bất cập trong quy định đấu giá
Trao đổi với VietNamNet ngày 2/8, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung cho biết, 2 công ty trên sẽ không được trả lại 15% tiền cọc (so với giá khởi điểm).
Ông Trung thông tin, theo quy định, nếu doanh nghiệp bỏ mỏ cát sau khi đấu giá thành công sẽ bị cấm một năm. Sở đang đề xuất tăng lên 5-10 năm hoặc vĩnh viễn, "không cho tiếp tục đấu giá để răn đe không chỉ doanh nghiệp này mà còn các đơn vị khác”.
Lãnh đạo Sở cho biết thêm, cơ quan này đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về những bất cập trong quy định đấu giá khoáng sản.
Đầu tiên, điều kiện các doanh nghiệp tham gia đấu giá quá dễ và lỏng lẻo, không cần kinh nghiệm, chỉ cần đáp ứng về trang thiết bị, nhân lực tài chính.
Dẫn chứng cụ thể, tại sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, dòng chảy ở đây dốc, ngắn, lưu lượng nước đổ về thời gian rất ngắn, thủy triều phức tạp. Đối với doanh nghiệp khai thác tại đây cần có năng lực, kinh nghiệm đã từng khai thác cát giữa lòng sông nhằm tránh sạt lở, ảnh hưởng đến môi trường.
Hơn nữa, chế tài đối với các doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không tiếp tục thực hiện quá nhẹ nhàng, cần có chế tài mạnh hơn mức một năm như hiện tại.
"Tiền đặt cọc cũng cần tăng lên 20%-40% chứ không để 15%. Việc này nhằm tránh các doanh nghiệp không đủ khả năng vào nâng giá cao, cuối cùng lại bỏ”, ông Trung bày tỏ.
Theo ông, Nhà nước cần đứng ra giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trước khi đấu giá bởi sau khi tổ chức đấu giá. Nhiều nơi đất vẫn do người dân tổ chức, quản lý, doanh nghiệp trúng đấu giá lúc này phải đi thỏa thuận, như vậy rất mất thời gian và tính khả thi không cao.