- 3 đơn vị vừa bị xử phạt số tiền gần 4 tỷ đồng vì xả thải ra sông Bưởi (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) gây ô nhiễm môi trường khiến hàng loạt cá chết.

Quyết định xử phạt vừa được Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) ký hôm nay. 3 đơn vị bị xử phạt gồm: Công ty TNHH Một thành viên Tân Hiếu Hưng; Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình và Cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Ngọc Sáng.

{keywords}

Ô nhiễm sông Bưởi do xả thải khiến hàng loạt cá chết

Công ty TNHH Một thành viên Tân Hiếu Hưng (xóm Bùi, xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) bị phạt 1.926.666.300 đồng do không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong kết luận, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Thực hiện không đúng nội dung yêu cầu, tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường; Không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; Đổ, thải chất thải rắn thông thường không đúng quy định…

Ngoài ra, đơn vị này phải đình chỉ và khắc phục hậu quả vi phạm do các hành vi vi phạm hành chính nêu trên gây ra, đặc biệt thực hiện ngay các biện pháp khắc phục.

Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình (xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình) bị phạt tổng số tiền 1.783.332.600 đồng (hơn 1,78 tỷ đồng) do đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính như: Không lập, phê duyệt Kế hoạch quản lý môi trường theo quy định; Không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; Đổ, thải chất thải rắn thông thường từ 5 m3 (hoặc tấn) đến dưới 10 m3 trái quy định; Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 lần đến dưới 5 lần…

Công ty CP Mía đường Hòa Bình bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 20/5/2016.

Ông Nguyễn Ngọc Sáng (chủ Cơ sở chăn nuôi lợn Nguyễn Ngọc Sáng) có địa chỉ tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình bị phạt số tiền 194.166.300 đồng vì không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; Xây lắp không đúng, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo nội dung cam kết bảo vệ môi trường; Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên…

Thanh Hóa công bố kết quả kiểm tra cá chết trên sông Bưởi

Ngày 17/5, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có báo cáo kết quả kiểm tra mẫu nước, cá chết trên sông Bưởi.

Cụ thể, về môi trường, chỉ tiêu NH3 lấy 10 mẫu, kết quả phân tích: 2,22-2,25mg/lít, vượt ngưỡng cho phép là 7,4-7,5 lần; chỉ tiêu H2S lấy 10 mẫu, kết quả phân tích 0,02-0,06mg/lít, vượt ngưỡng cho phép là 1,5-2 lần; chỉ tiêu NO2 lấy 10 mẫu, kết quả phân tích 0,042-0,063mg/lít, vượt ngưỡng cho phép là 2-4 lần.

Về dịch bệnh, kiểm lâm sàng trên cá, không tìm thấy dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm.

Cơ quan chức năng đã lấy 3 mẫu cá chết để phân tích. Căn cứ vào kết quả phân tích, ngành chức năng khẳng định cá chết trên sông Bưởi do các yếu tố môi trường bị ô nhiễm nặng.

Sở này cũng cho rằng, do điều kiện khối lượng nước ô nhiễm lớn, các giải pháp khắc phục sinh học, hóa học hiện đều không khả thi. Do vậy, cần phải có thời gian để mưa lũ rửa trôi và khả năng tự làm sạch của môi trường tự nhiên.

Đối với tình trạng cá tiếp tục chết ngày 13-14/5, theo nhận định của cơ quan chức năng là do môi trường ô nhiễm, cá bị yếu dần và chết. Tổng số cá chết là sau hai đợt là hơn 18.000kg cá nuôi, 100% cá tôm tự nhiên trên sông chết.

Các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân tại các diện tích ao nuôi trồng thủy sản ven sông Bưởi nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm cao, chủ động nguồn nước khác, tránh sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để nuôi trồng thủy sản và khuyến cáo người chăn nuôi ven sông tạm thời không nên sử dụng nước từ sông để phục vụ sinh hoạt và sử dụng cho gia súc, gia cầm uống.

Lê Anh

Kiên Trung